Giáo dục tâm lý cho bệnh nhân trầm cảm trong liệu pháp tâm lý

 

Vũ Văn Thuấn & Đặng Thu Thủy

Giáo dục tâm lý, lợi ích và hiệu quả

Thuật ngữ “giáo dục tâm lý” lần đầu tiên được sử dụng bởi Anderson và cộng sự trong một nghiên cứu từ năm 1980 cho rằng giáo dục tâm lý là thông báo cho bệnh nhân về bệnh tình của họ; đào tạo giải quyết vấn đề; đào tạo giao tiếp và đào tạo khả năng tự quyết đoán; sự tham gia của người thân bệnh nhân [1]. Barker đưa ra định nghĩa GDTL là một quá trình giảng dạy cho bệnh nhân bị các bệnh tâm thần và người thân về bản chất của bệnh, bao gồm căn nguyên, tiến triển, hậu quả, tiên lượng, và điều trị. Later Bäuml cho rằng GDTL là việc cung cấp thông tin theo kiểu giáo dục, được cấu trúc, hệ thống về bệnh và các phương pháp điều trị, và lồng ghép vào các nét cảm xúc để giúp bệnh nhân – cũng như người thân, thích ứng với bệnh tật.

Theo quan đểm của chúng tôi, “GDTL là 1 trong những bước đầu tiên của tiến trình trị liệu tâm lí, có nhiệm vụ đưa những thông tin phước tạp về bệnh thành ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu nhằm giúp cho người cũng như thân nhân của họ hiểu hơn về bản chất vấn đề họ đang mắc phải nhằm thay đổi suy nghĩ không phù hợp từ đó thay đổi thái độ trong điều trị bệnh”

Giáo dục tâm lí mang lại lợi ích gì

Giáo dục tâm lý có vai trò vô cùng quan trọng. Nó có thể coi là một “thông dịch viên”, theo đuổi mục đích dịch thuật ngữ chuyên môn phức tạp sang ngôn ngữ thông dụng và hàng ngày, mà bệnh nhân và thân nhân của họ có thể hiểu được và giúp họ trở thành chuyên gia trong quá trình trị liệu của chính họ [2]. Nhờ có buổi GDTL, mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân được gắn kết đồng thời giúp người bệnh hiểu rõ vấn đề, vai trò của từng thành viên tham gia trị liệu, các liệu trình trị liệu,…Thông qua đó giúp thay đổi hành vi, làm tăng sự tuân thủ điều trị tốt hơn ở bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu của hơn 30 thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy phương pháp này làm giảm tỷ lệ tái phát, gia tăng sự hồi phục và cuộc sống gia đình của người bệnh được cải thiện.

Trầm cảm và sự ảnh hưởng

Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần: chủ yếu là ức chế cảm xúc, ức chế tư duy, và ức chế vận động [3]. Trầm cảm là một hội chứng có nhiều nguyên nhân gây ra thường chia thành nhóm nguyên nhân nội sinh và nguyên nhân ngoại sinh.

Người được chẩn đoán trầm cảm khi có những cảm xúc trầm kéo dài ít nhất 2 tuần. Khi mắc, bệnh nhân có các triệu chứng cảm thấy buồn bã, cô đơn, dể cáu kỉnh, tồi tệ, vô vọng, lo âu và bối rối những triệu chứng đó có lẽ đi cùng với các triệu chứng của cơ thể [4]. Những triệu chứng cơ thể thì phổ biến trong trầm cảm nặng có lẽ dẫn đầu đó là các triệu chứng đau nhức mãn tính và điều trị rất phức tạp. [5]

Theo đánh giá cho thấy tỉ lệ trầm cảm và lo âu là những vấn đề thường gặp nhất. Theo tổ chức y tế thế giới tới năm 2020 trầm cảm chỉ đứng sau các bệnh tim mạch về gánh nặng bệnh tật và nguyên nhân gây tử vong [6]. Tỷ lệ nữ / nam = 2.7 / 1. Trầm cảm là một trong những bệnh phổ biến nhất và có thể điều trị được trong lĩnh vực chuyên khoa tâm thần và tâm lý. Trong suốt một đời người tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ là 25%, và ở nam giới là 10%. Tỉ lệ chung là 15%. Tuổi trung bình: Tuổi trung bình 43.92 ± 13.641;

Trầm cảm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh như giảm sút sự tập trung và chú ý; Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin. Những ý tưởng bị tội, không xứng đáng; Nhìn vào tương lai thấy ảm đạm, bi quan; Ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát; Rối loạn giấc ngủ: ngủ nhiều hoặc ngủ ít, thức giấc lúc nửa đêm hoặc dậy sớm. Ăn kém ngon miệng; mất quan tâm ham thích những hoạt động thường ngày tăng hoặc sút cân (thường ≥ 5% trọng lượng cơ thể so với tháng trước), ….

Mục tiêu của giáo dục tâm lý đối với điều trị trầm cảm

Việc xây dựng các mục tiêu điều trị thực tế và chặt chẽ có tầm quan trọng đặc biệt đối với tất cả những người có liên quan (bệnh nhân, người thân và những người hỗ trợ chuyên môn). Vì vậy, khi tiến hành giáo dục tâm lý nhà chuyên môn cần:

  • Đảm bảo cho bệnh nhân và thân nhân của họ hiểu được vấn đề cơ bản về trầm cảm và tăng cảm nhận được tham gia vào tiến trình điều trị.
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý bệnh một cách chủ động và tự chịu trách nhiệm; Nhấn mạnh vai trò của bệnh nhân trong vai trò làm thay đổi vấn đề.
  • Hiểu được quan niệm của bệnh nhân về bệnh trầm cảm, đặc biệt nhận diện các quan điểm không phù hợp của bệnh nhân để hướng tới cung cấp các thông tin phù hợp. Cung cấp thông tin đúng về trầm cảm
  • Thúc đẩy phòng chống tái phát bệnh
  • Cung cấp các thông tin về các nguồn lực hỗ trợ.
  • Bệnh nhân có cái nhìn thích hợp về trầm cảm và từ đó tạo niềm tin vào quá trình điều trị

  • Những nội dung cần cung cấp trong giáo dục tâm lý cho bệnh nhân trầm cảm.
  • Giáo dục tâm lý cho bệnh nhân trầm cảm thường được tiến hành ngay trong buổi trị liệu đầu tiên của liệu pháp tâm lý. Nhà trị liệu có thể cùng với bệnh nhân và gia đình cùng trao đổi nhóm, kết hợp tạo niềm tin với thân chủ và gia đình.

Một số nội dung được hướng đến trong bước giáo dục tâm lý gồm:

  • Khái niệm về trầm cảm: Cung cấp các thông tin về trầm cảm, nhấn mạnh thời gian trầm buồn, giảm hứng thú kéo dài 2 tuần, sự khác nhau giữa trầm cảm đối với buồn thông thường.
  • Các triệu chứng của trầm cảm: Khuyến khích bệnh nhân và người nhà đưa ra các triệu chứng của họ, nhấn mạnh các triệu chứng đó ảnh hưởng tới chức năng của thân chủ như học tập, phát triển bản thân, hoạt động xã hội.
  • Tỉ lệ trầm cảm trong cộng đồng: khuyến khích bệnh nhân đưa ra dự đoán về con số, sau đó khen và đưa ra con số cụ thể giữa tỉ lệ cộng đồng, tỉ lệ nam nữ.
  • Nguyên nhân: đưa ra các nguyên nhân rồi phân nhóm thành nhóm nguyên nhân nội sinh, nhóm nguyên nhân ngoại sinh.
  • Các phương pháp điều trị đối với trầm cảm. cần nhấn mạnh có nhiều phương pháp tuy nhiên các phương pháp được cho là có hiệu quả bao gồm hóa dược, trị liệu tâm lý, phối kết hợp giữa tâm lý và hóa dược.
  • Tiến triển: người bệnh và gia đình thường quan tâm tới tiến triển bệnh của mình nên phần tiên lượng bệnh khuyến khích tự nói ra sau đó nhà trị liệu sẽ cung cấp thông tin về khả năng khỏi cũng như thời gian nếu tuân thủ)
  • Nguy cơ tái phát trở lại trong tương lai. Nhấn mạnh những yếu tố thuộc nội sinh và ngoại sinh luôn đồng hành cùng với mỗi người trong đó các đặc điểm về tính cách, các yếu tố xã hội tác động sẽ không thể tránh khỏi.
  • Đưa ra tình huống giả định thách thức tư duy “nếu trầm cảm trở lại trong tương lai bạn dự đoán mình có thể nhận diện và ứng phó phù hợp bao nhiêu phần trăm”.

Các góp ý xin gửi tác giả bài viết: Ths Vũ Văn Thuấn, khoa Tâm lý lâm sàng, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Hà Nội

Điện thoại: 0918574123

Email- vthuan87@gmail.com

Tài liệu tham khảo.