Ths. Nguyễn Thị Thu Linh
Khoa TLLS – BVTTTW1
Sức khỏe Tâm thần là một trong những yếu tố rất quan trọng của sức khỏe con người. Trong cuộc sống hiện đại chúng ta đang chịu áp lực rất lớn như vấn đề môi trường, thảm họa thiên tai, việc làm, dịch bệnh, stress… làm ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội và trở thành gánh nặng về mặt kinh tế, gánh nặng về bệnh tật, về chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, viết tắt là WMHD (World Mental Health Day) được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 hàng năm trên toàn thế giới nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp sức khỏe tâm thần.Sự kiện này được cử hành lần đầu vào năm 1992 do sáng kiến của Liên đoàn sức khỏe tâm thần thế giới (World Federation for Mental Health) – một tổ chức bảo vệ sức khỏe tâm thần toàn cầu có các thành viên ở hơn 150 quốc gia tham dự. Vào ngày này, hàng ngàn người hỗ trợ đã tổ chức chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức, đem lại sự chú ý tới bệnh tâm thần và hậu quả của nó với cuộc sống của những bệnh nhân trên khắp thế giới. Tại một số nước, ngày này là thành phần quan trọng của Tuần lễ nhận thức bệnh tâm thần (Mental Illness Awareness Week).
Chăm sóc sức khỏe tâm thần của mỗi chúng ta nói chung và con em chúng ta nói riêng giai đoạn này đóng vai trò đặc biệt quan trọng như một cuộc khủng hoảng tương tự đại dịch COVID – 19 mà chúng ta đang phải trải qua, xảy đến. Có nhiều yếu tố rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến trẻ em trong khoảng thời gian này và kết quả là có thể dẫn đến các vấn đề vể sức khỏe tâm thần bởi: Những quy định về giãn cách, phong tỏa và sự gián đoạn đối với các thói quen trước đây. Sự mất mát gia đình, người thân vì COVID-19, hay đơn giản hơn là mất/giảm thu nhập gia đình, giáo dục trực tuyến, thiếu tiếp cận với bạn bè đồng trang lứa, bạo lực có thể xảy ra trong gia đình… Những yếu tố rủi ro này có thể khiến các bệnh tâm thần đã có trở nên trầm trọng hơn hoặc gây ra những vấn đề mới về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt đối với nhóm trẻ có rối loạn phát triển (Trẻ tăng động giảm chú ý, tự kỷ, chậm khôn, bại não, chậm nói, trẻ có khó khăn học tập, thiếu hụt các kỹ năng xã hội …) thì những hệ lụy đó trở nên trầm trọng hơn. Trong chuyên ngành tâm thần, những “Bệnh nhân” này được xếp vào nhóm đối tượng được chăm sóc, trị liệu, giáo dục chuyên biệt và cần được sự hỗ trợ thường xuyên, liên tục không chỉ của gia đình mà còn của các nhà chuyên môn như: Các bác sỹ tâm thần, các nhà tâm lý, nhà giáo dục đặc biệt. Nhưng trong bối cảnh dịch COVID – 19, trẻ không được đến trường, không thể đến các trung tâm, các bệnh viện để duy trì lộ trình trị liệu chuyên biệt thì sẽ tạo nên những khó khăn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, tiến bộ của trẻ.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi hướng đến nhóm trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý.
Rối loạn tăng động giảm chú ý được viết tắt là ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder). Đây là chứng rối nhiễu tâm lý thường gặp ở trẻ em, khởi phát sớm và có thể kéo dài cho tới tuổi trưởng thành.
ADHD được chẩn đoán rõ rệt nhất ở lứa tuổi 4 – 6 tuổi, thường thấy ở bé trai bị nhiều hơn bé gái (gấp 4 – 10 lần). Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ rối loạn này ở bé gái cũng có xu hướng gia tăng.
Vậy chứng rối loạn tăng động giảm chú ý được phân loại như thế nào?
Theo hướng dẫn chẩn đoán DSM – IV của Hiệp hội Tâm Thần Mỹ, rối loạn tăng động giảm chú ý được chia thành 3 nhóm chính:
Rối loạn tăng động giảm chú ý – Dạng phối hợp: Phân nhóm này được chẩn đoán nếu có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý và ít nhất 6 triệu chứng tăng động bồng bột tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng. Hầu hết những trẻ em và thiếu niên có rối loạn này đều thuộc dạng phối hợp.
Rối loạn tăng động giảm chú ý – Dạng trội về giảm chú ý: Phân nhóm này được chẩn đoán khi có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý (nhưng có ít hơn 6 triệu chứng về tăng động bồng bột) tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng.
Rối loạn tăng động giảm chú ý – Dạng trội về tăng động bồng bột: Phân nhóm này được chẩn đoán khi có ít nhất 6 triệu chứng về tăng động bồng bột (nhưng có chưa đến 6 triệu chứng về giảm chú ý) tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng.
Nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Rối loạn ADHD là một trong những rối loạn mắc phải từ thời thơ ấu được nhiều nghiên cứu đề cập. Tuy nhiên, cho đến nay các nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Có thể xếp các nguyên nhân được đề cập đến nhiều nhất vào 3 nhóm chính, đó là:
Nguyên nhân thực thể:
Người mẹ trong thời kỳ mang thai tiếp xúc với một số độc chất như: thuốc lá, rượu, ma túy. Những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em hoặc các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen…cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị tăng động, kém tập trung.
Những tai biến sản khoa và một số yếu tố bẩm sinh như: trẻ sinh thiếu tháng, thiếu oxi lúc sinh (bị ngạt). Những dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh và cấu trúc cũng như sự hoạt động không đồng đều và thiếu cân bằng ở các vùng não bộ, những can thiệp sản khoa (foorxep)…có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
Do di truyền: cũng có những giả định đặt ra rằng đa số những trẻ em bị rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý thì trong gia đình của chúng có ít nhất một thành viên bị dạng rối loạn này. Hơn nữa, 1/3 số người đàn ông bị rối loạn tăng động – thiếu tập trung khi còn nhỏ (tương đương khoảng 30%), thì con họ sau này cũng có nguy cơ mắc phải.
Nguyên nhân tâm lý: Tình trạng stress, lo lắng, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, môi trường sống trong gia đình bất ổn, phương pháp giáo dục có những bất cập cũng là những nguyên nhân thuận lợi dẫn đến rối loạn ADHD.
Các nguyên nhân khác như: chấn thương đầu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, hoặc có rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều quá hoặc khó ngủ)…
Vì nguyên nhân gây ra những rối loạn này vẫn chưa rõ ràng, cho nên rất khó có thể phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp nên phòng tránh không cho trẻ bị chấn thương vào đầu hay bị nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, không cho trẻ tiếp xúc với kim loại nặng (chì). Mặt khác, người mẹ khi mang thai cần phải chú ý không lạm dụng các chất gây nghiện như hút thuốc lá, uống rượu hay dùng chất ma túy, hạn chế hoặc càng tránh tiếp xúc với những chất độc trong môi trường là những giải pháp được khuyến cáo.
Có được những kiến thức cơ bản về phân loại các thể ADHD, nguyên nhân của chứng ADHD sẽ giúp cho việc định hướng can thiệp nhóm trẻ trên tại gia đình của các phụ huynh dễ dàng và hiệu quả hơn với các liệu pháp và cách chăm sóc sau:
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Nên cho trẻ ăn những thức ăn ít gây dị ứng, có thể cải thiện được sự tập trung chú ý của trẻ. Nên tránh những loại thức ăn như: Sữa và các sản phẩm từ sữa, lúa mì, bắp, đậu nành, trứng, sô-cô-la, đậu phộng; các lọai thực phẩm có thêm phụ gia nhằm ổn định thực phẩm, hóa chất và phẩm màu.
Hóa dược: Khi đã chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ sẽ có thể cho dùng thuốc – liệu pháp hóa dược. Dùng hóa dược là việc nên hết sức cân nhắc và nhất thiết phải tuân thủ theo bác sỹ chuyên khoa đã chỉ định.
Tâm lý trị liệu: Một số chứng ADHD sẽ cải thiện khi trẻ lớn lên, một số khác thì có thể tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, nhờ vào các phương pháp điều trị có thể kiểm soát được những biểu hiện của dạng rối loạn này, và người bệnh có được cuộc sống bình thường.
Các biện pháp can thiệp cho trẻ ADHD bao gồm: tâm lý trị liệu, hỗ trợ từ phía gia đình, người chăm sóc trẻ. Cha mẹ trẻ nên có kiến thức để giúp đỡ những trẻ ADHD. Cách tốt nhất là phối hợp giữa cha mẹ, thầy cô giáo, bác sĩ và nhà tâm lý trong việc điều trị cho trẻ.
Một số biện pháp khác phụ huynh có thể tìm hiểu, áp dụng:
Xoa bóp (massage): massage đặc biệt có lợi giúp trẻ thư giãn. Trẻ được điều trị bằng phương pháp này sẽ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, những cơn xung động và biết lắng nghe, vâng lời cha mẹ hơn.
Phương pháp Tomatis: nguyên tắc của phương pháp này là dùng âm nhạc để điều trị cho trẻ bị có chứng ADHD được khởi xướng bởi một bác sĩ người Pháp tên Alfred A. Tomatis. Theo ông, đây là một phướng pháp cho kết quả rất tốt. Chính âm nhạc làm cải thiện khả năng nghe của trẻ, bằng cách kích thích não bộ giúp trẻ tập trung vào âm thanh mà không bị phân tán. Vì vậy, người ta thường cho trẻ nghe nhạc Mozart, hòa tấu, thậm chí nghe giọng nói của người mẹ hoặc người mà trẻ yêu mến.
Phương pháp Tâm vận động: Phương pháp này đòi hỏi một số trang bị về phòng ốc, các dụng cụ giáo dục đặc biệt và những kiến thức chuyên môn.
Một số nguyên tắc chăm sóc trẻ ADHD tại nhà:
– Cha mẹ cần dạy trẻ có kỹ năng sinh hoạt tự lập như ăn uống, vệ sinh cá nhân…
– Trẻ phải biết để các đồ dùng của bản thân ngăn nắp và đúng nơi quy định.
– Không nên cho con xem tivi lâu và chỉ xem một số chương trình phù hợp.
– Cho trẻ chơi các trò chơi tĩnh, xem sách, vẽ tranh, xếp hình, học đàn…
– Không nên cho chơi trò chơi kích động bạo lực.
– Cho trẻ tham gia, giúp đỡ bố mẹ một số việc nhà.
– Trẻ cần được tham gia các hoạt động như đi xe đạp, đá bóng, đi bộ… để có sự điều chỉnh hài hòa giữa sự vận động thể lực với hoạt động tâm trí.
– Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc: Cơ bản từ 8-9 tiếng mỗi ngày, ban ngày nên cho trẻ ngủ trưa.
– Tránh để trẻ uống các thứ nước ngọt có ga, hạn chế ăn những đồ ăn chế biến có phẩm màu, đồ hộp cá thịt…Nên khuyến khích con ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi.
Đặc biệt trong hiện trạng trẻ ADHD không được đến trường vì dịch Covid:
– Cần xây dựng nề nếp, nội quy học tập phù hợp với độ tuổi của trẻ và khuyến khích trẻ cam kết thực hiện. Khi trẻ thực hiện tốt phụ huynh nên có chế độ động viên, khen thưởng và khích lệ kịp thời để củng cố sự tiến bộ.
– Nội dung, thời gian học tập nên chia nhỏ, vừa sức với trẻ. Tuyệt đối tránh tạo áp lực cho trẻ dễ gây phản ứng không tốt – chứng sợ học, né tránh gây hiệu ứng ngược.
– Khuyến khích trẻ ADHA tham gia vào những hoạt động giải trí tĩnh như vẽ tranh, chơi trò chơi lắp ghép, nghe nhạc êm dịu, chơi đàn, những việc rèn luyện sự kiên trì, tỷ mỉ khéo léo: Với những trẻ dưới 3 tuổi, bạn nên chơi cùng con những trò chơi tĩnh như: sử dụng tranh ảnh, xếp những khối màu hình dạng khác nhau, bỏ khối vào hộp, lắp hình, giả vờ nói chuyện điện thoại đồ chơi, bấm phím đàn đồ chơi…
– Đối với trẻ 3 – 6 tuổi, bạn hãy hướng dẫn con vẽ tranh tô màu, cắt xé dán thủ công, chơi đất nặn, xâu hạt, ghép hình phức tạp hơn… để tạo cho trẻ tính kiên trì và ngồi yên được lâu hơn.
– Tham gia những trò chơi nhóm cũng có ích lợi vì trẻ biết hợp tác hơn. Dạy trẻ diễn đạt ngôn ngữ, hỏi chuyện thường xuyên, khyến khích trẻ kể chuyện… nhằm phát triển ngôn ngữ và giao tiếp.
– Giao cho trẻ một số nhiệm vụ trong thời gian giải lao, lúc rảnh rỗi để trẻ hoàn thành. Đồng thời, luôn khích lệ, động viên trẻ thường xuyên ngay cả khi trẻ chưa hoàn thành.
– Cho trẻ tham gia các trò chơi tương tác và giúp đỡ các thành viên khác trong gia đình.
– Khi trẻ mắc lỗi, nên nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng rõ ràng và dứt khoát, tạo cho trẻ cơ hội sửa chữa khuyết điểm.
– Khuyến khích trẻ đi bộ cùng mẹ hoặc người lớn khoảng 30 phút vào mỗi buổi chiều.
– Xoa bóp tay, chân, mặt cho trẻ bao gồm những động tác như: xoa, bóp, ấn, vỗ khum, miết, chải lên một số bộ phận cơ thể…
Ngoài ra, các bố mẹ có thể tham gia vào hội cha mẹ có trẻ bị rối loạn phát triển để có thêm kiến thức hỗ trợ cho con. Đặc biệt, trong mùa dịch COVID – 19, các khóa học online này được tổ chức hàng tuần, tần suất nhiều hơn với những chủ đề khác nhau.
Những vấn đề cần lưu ý khi giáo dục trẻ tăng động:
-Vì trẻ tăng động thường gặp phải những vấn đề về tập trung chú ý, vì vậy các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần phải diễn đạt một cách rõ ràng để cho trẻ dễ tiếp thu trong học tập và phải đảm bảo là trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trẻ tăng động rất dễ bị phân tán do đó tốt hơn là nên giao cho trẻ những công việc đơn giản. Nếu như công việc hay trò chơi có tính phức tạp, thì nên phân chia ra thành từng giai đoạn để trẻ dễ hiểu và dễ thực hiện.
– Trẻ tăng động đặc biệt rất nhạy cảm với những kích thích từ môi trường bên ngoài. Do đó cần phải tổ chức thành nhóm hoặc giao công việc dạy dỗ trẻ cho những người có tính kiên nhẫn và biết hoạt náo. Khi cho trẻ xem tivi cũng vậy, những hình ảnh hoặc âm thanh cũng như những bài nói chuyện trên tivi dễ ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ nên cần phải cân nhắc và phối hợp một cách khoa học. Khi trẻ học tập hay làm những công việc khác, cần bố trí cho trẻ nơi yên tĩnh để trẻ không bị phân tán, sao nhãng.
– Hỗ trợ, giáo dục trẻ ADHD đòi hỏi phụ huynh và người chăm sóc trẻ phải biết kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Không nên la mắng trẻ. Điều quan trọng là người giáo dục trẻ nên biết được những mặt hạn chế cũng như nhu cầu của trẻ để đưa ra biện pháp giáo dục trẻ một cách thích hợp.
– Trẻ ADHD thường không lường trước được những nguy hiểm. Chính vì vậy mà người dạy trẻ cần phải theo dõi trẻ sát sao hơn bình thường. Khi bạn cần tìm một người giữ trẻ như thế, bạn nên chọn người có kinh nghiệm và có kỹ năng nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra cho trẻ.
– Dùng bạo lực, la hét hay đánh mắng trẻ thường không mang lại lợi ích gì mà lại làm cho trẻ bị “lờn mặt”. Lúc này tốt hơn là nên yêu cầu trẻ vào phòng đóng cửa lại. Cách giải quyết này cũng làm cho bạn và trẻ lấy lại bình tĩnh.
La mắng hay quở trách sẽ gây thêm rối loạn hành vi của trẻ. Trẻ ADHD thường gặp phải vấn đề trầm trọng về khả năng tự tin của chúng. Điều quan trọng là làm thế nào để chỉ ra cho trẻ điều đó để chúng trở nên tốt hơn, chứ không nên nhắc đi nhắc lại về những sai lầm mà trẻ mắc phải. Cha mẹ, người chăm sóc, giáo dục trẻ hãy luôn rộng lượng và khuyến khích trẻ.
Như vậy những lưu ý chính trong giáo dục, hỗ trợ trẻ ADHD tại gia đình đặt ra:
– Gia đình nên thống nhất cách nuôi và dạy trẻ.
– Đưa ra những nội quy, quy tắc đơn giản rõ ràng, dễ hiểu và nhất quán.
– Xây dựng cho con nề nếp sinh hoạt, học tập để trẻ hình thành thói quen ngay từ đầu.
– Luôn khích lệ, động viên để trẻ cảm thấy tự tin.
– Khi con mắc lỗi, không nên vội đánh mắng mà cần tìm hiểu, hướng dẫn trẻ cách khắc phục.
– Bố mẹ phải biết kiềm chế kiểm soát cơn nóng giận của bản thân.
– Chia công việc ra thành những bước nhỏ để trẻ dễ thực hiện.
– Xây dựng chương trình kỷ luật tích cực đối với trẻ.
– Luôn giữ cho môi trường sống trong gia đình và xung quanh trẻ được ổn định, thân thiện.
Việc giúp đỡ, hỗ trợ trẻ ADHD cần sự kiên trì và trong thời gian dài. Hướng trẻ vào những hoạt động có tổ chức, có mục đích, tạo điều kiện cho trẻ hoàn thành nhiệm vụ phù hợp với khả năng là một việc làm đòi hỏi người hỗ trợ, giáo dục trẻ phải có chuyên tâm, kiến thức và kinh nghiệm. Nếu việc dạy trẻ khó khăn và ít hiệu quả, cha mẹ nên cho con đi khám tâm lý và kiểm tra sức khỏe tâm thần để được các chuyên gia, các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám và đánh giá lại ngay sau khi dịch Covid -19 đã được khống chế kiểm soát để được tư vấn và hỗ trợ tiếp.
Để được tư vấn trực tiếp và kịp thời Quý phụ huynh vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: https://bvtttw1.gov.vn/khoa-tam-ly-lam-sang/
SĐT: 0977289357, 0393839837
Email: tamlylamsangtw1@gmail.com
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tổ chức Y tế thế giới Geneva (1992) Phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 (PLBQT – 10F) về các rối loạn tâm thần và hành vi; mô tả lâm sàng và nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.
- Nguyễn Thanh Liêm “Điều trị tự kỷ bằng tế bào gốc”, Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em – Bệnh viện Nhi TW.
- Nguyễn Thanh Liêm, “10 tiến bộ nghiên cứu khoa học về rối loạn phổ tự kỷ ( P1 & P2), Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em – Bệnh viện Nhi TW
- Ngô Thanh Hồi và cộng sự (2007), “Nghiên cứu khảo sát dịch tễ phát hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học và trung học cơ sở thành phố Hà Nội”, Hội thảo Quốc tế “Can thiệp và phòng ngừa trên cơ sở khoa học các vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) trẻ em ở Việt Nam”, Hà Nội 13, 14/12/2007.
- Bùi Hồng Tâm, Cao Tiến Đức, (2010) “Khảo sát tỷ lệ các rối loạn tâm thần thường gặp tại Quảng Ninh”, Tạp chí Thông tin y Dược của Viện Công nghệ Thông tin – Thư viện Y học Trung Ương, Bộ y tế, 2010, số 7, tr.38 -40.
- Weiss, Bahr., Đặng Hoàng Minh, Nguyễn Cao Minh (2012) Tỷ lệ trẻ vị thành niên có các vấn đề sức khỏe tâm thần, Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn, số 28, N1S, tr 34 – 35.
- Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đặng Hoàng Minh, (2012) “ Tư vấn tâm lý học đường”, Tài liệu lưu hành nội bộ, Vụ giáo dục trung học Trường Đại học giáo dục.
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Chương trình văn nghệ vui tết trung thu 2024.
- Thẩm định tài liệu truyền thông giáo dục sức khoẻ tâm thần.
- Mời tham gia tư vấn tổ chức lựa chọn nhà thầu thuốc.
- Kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rối loạn sức khỏe tâm thần tại tỉnh Bắc Giang năm 2024.
- Thông báo mở lớp đào tạo Điều dưỡng chuyên khoa Tâm thần khoá 25 năm 2024.