Sử dụng kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực trong trị liệu trầm cảm với thanh thiếu niên

   Tác giả bài viết: 1. ThS. Vũ Văn Thuấn, khoa Tâm lý lâm sàng, BVTTTW1

                             2. ThS.BS. Hoàng Minh Thiền, khoa Tâm thần người cao tuổi, BVTTTW1

                             3. Lê Thị Hải, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội

1. Trầm cảm ở thanh thiếu niên

Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc, biểu hiện bằng quá trình ức chế toàn bộ hoạt động tâm thần. Chủ yếu ức chế cảm xúc, ức chế tư duy, ức chế vận động. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10, trầm cảm điển hình thường được biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động, tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 5% thanh thiếu niên bị trầm cảm lâm sàng khi được khảo sát ở bất kì thời điểm nào. Khi xem xét trên tỷ lệ phần trăm thì con số này có vẻ là nhỏ, nhưng khi tính toán số lượng thanh thiếu niên bị trầm cảm thì đó lại là một con số vô cùng lớn.

Ở mỗi lứa tuổi phát triển, các biểu hiện trầm cảm rất khác nhau. Trong lứa tuổi thanh thiếu niên, các biểu hiện triệu chứng được thể hiện như sau:

  • Dễ cáu gắt (gắt gỏng, thù địch, dễ nổi cáu, cơn tức giận bộc phát)
  • Mất ngủ
  • Thèm ăn và tăng cân
  • Phàn nàn về triệu chứng cơ thể
  • Rất nhạy cảm với sự từ chối dẫn đến khó duy trì các mối quan hệ
  • Lòng tự trọng thấp

Trầm cảm gây ảnh hưởng tới chức năng cuộc sống (học tập, các mối quan hệ trong xã hội như:

  • Suy giảm các hoạt động chức năng từ nhẹ đến nặng
  • Các mối quan hệ tan vỡ (điều này sẽ lại tiếp tục khiến mức độ tiêu cực của người trầm cảm trở nên tiêu cực hơn)
  • Có suy nghĩ hoặc có hành vi làm hại bản thân hoặc tự sát
  • Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, trầm cảm có thể tiến triển thành một rối loạn mãn tính, thường xuyên tái phát
  1. Điều trị trầm cảm ở thanh thiếu niên

Trầm cảm ở thanh thiếu niên cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh được những ảnh hưởng, hậu quả tiêu cực về sau, cần phải đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được thăm khám và tư vấn điều trị. Một số liệu pháp can thiệp điều trị trầm cảm có thể kể đến như:

Về hóa dược: Yêu cầu cần được thăm khám và kê đơn, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bệnh nhân và gia đình không tự ý tăng giảm liều hay bỏ thuốc giữa chừng. Các thuốc chống trầm cảm điều chỉnh số lượng và hoạt tính các chất dẫn truyền thần kinh (Serotonin, Noradrenalin…) đang bị rối loạn để điều trị trầm cảm. Thời gian để thuốc chống trầm cảm có tác dụng là 7 – 10 ngày sau khi đạt liều điều trị.

  • Các thuốc chống trầm cảm truyền thống: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Imipramine, Amitriptylin, Anafranil, Tofranil…) có nhiều tác dụng kháng Cholin, có thể dùng ở cơ sở nội trú cùng với việc theo dõi chặt chẽ.
  • Các thuốc chống trầm cảm mới: ít tác dụng không mong muốn, khởi đầu tác dụng sớm, ít tương tác khi phối hợp với các thuốc khác, an toàn hơn khi dùng quá liều.
  • Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRI): Fluoxetin (Prozac); Fluvoxamin (Luvox), Paroxetin (Deroxat), Sertralin (Zoloft).
  • Thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin và Noradrenalin (SNRIs): Venlafaxin 75mg
  • Thuốc làm tăng dẫn truyền Noradrenalin và đặc hiệu trên Serotonin (NaSSA): Mirtazapin (Remeron).
  • Các thuốc điều trị phối hợp khác:
  • Trầm cảm có loạn thần (hoang tưởng, ảo giác…) thường phối hợp các thuốc chống trầm cảm với các thuốc chống loạn thần (Haloperidol, Risperdal, Olanzapin…)
  • Có thể sử dụng các thuốc điều chỉnh khí sắc để đề phòng tái phát, tái diễn trầm cảm (muối Lithium, Carbamazepin, Valproat…).

– Về tâm lý: Các liệu pháp tâm lý sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia tâm lý và được chia thành các loại can thiệp sau:

  • Trị liệu cá nhân
  • Trị liệu theo nhóm
  • Trị liệu gia đình

Về xã hội: Các biện pháp đồng thời hướng tác động vào gia đình và trường học

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn về kỹ thuật phỏng vấn tạo động cơ, là một kỹ thuật giúp thay đổi hành vi thuộc liệu pháp nhận thức hành vi.

  1. Kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực

Phỏng vấn tạo động lực là một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất trong liệu pháp nhận thức hành vi. Kỹ thuật này có thể sử dụng kết hợp với các kỹ thuật khác hoặc sử dụng như một biện pháp can thiệp độc lập để tạo sự hứng thú và động lực để có thể thay đổi cho người được can thiệp.

Trong bài viết này sẽ làm rõ:

  • Phỏng vấn tạo động lực là gì?
  • Nó được sử dụng trong những trường hợp nào, áp dụng với thanh thiếu niên trầm cảm như thế nào?
  • Các bước áp dụng kỹ thuật này như thế nào?

Hiểu về kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực:

Phỏng vấn tạo động lực là một biện pháp can thiệp tâm lý mà trong đó nhà tâm lý sẽ lắng nghe, thấu cảm vấn đề và giá trị của người được can thiệp. Để hiểu bản chất vấn đề của mình cũng như cách mà bệnh nhân đang nhìn nhận, đồng thời cùng hướng tới cách thức giải quyết vấn đề đó, với người hành động là bệnh nhân. Bệnh nhân nhận ra việc thay đổi của bản thân là do chính những hành động của mình.

Như vậy, kỹ thuật này lấy bệnh nhân làm trọng tâm, tạo động lực cho bệnh nhân giải quyết vấn đề của mình bằng chính sự nỗ lực, quyết tâm của mình.

Áp dụng phù hợp trong các tình huống

Như đã nói ở trên, kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực lấy bệnh nhân là trung tâm và giải quyết vấn đề theo cách mà họ muốn. Vì vậy, các tình huống có thể áp dụng kỹ thuật này cho khách thể bao gồm:

  • Khi sử dụng cho những khách thể có ít động lực nhất thì nó tỏ ra có hiệu quả nhất.
  • Có thể áp dụng trong mọi tình huống khi cần động viên người khác thay đổi hành vi, thói quen, lối sống của họ mà không gây ra sự phản kháng.

Trong một số trường hợp cụ thể có thể áp dụng phỏng vấn tạo động lực được kể đến như:

  • Tư vấn chuyên môn về tác hại của việc sử dụng rượu, hút thuốc, cờ bạc
  • Thay đổi các hành vi tình dục nguy cơ
  • Thay đổi thói quen ăn uống cho những người béo phì hoặc nguy cơ béo phì,….

Sử dụng phỏng vấn tạo động lực với thanh thiếu niên trầm cảm

Đối với thanh niên trầm cảm, các triệu chứng trầm cảm bao gồm cả chán nản, giảm hứng thú với mọi hoạt động, suy giảm động lực học tập, dẫn đến việc tránh né việc đi học và kết quả học tập giảm sút, thậm chí một số trường hợp thanh thiếu niên trầm cảm lạm dụng rượu hoặc các chất gây nghiện khác với mong muốn giải tỏa cảm xúc, thoát khỏi thực tế làm người bệnh thấy bức bối. Vì vậy, phỏng vấn tạo động lực sẽ giúp nâng đỡ giá trị bản thân của bệnh nhân để dần dần điều chỉnh các hoạt động (như các hoạt động thể chất, thay đổi lịch sinh hoạt thường ngày, các thời gian dành để thư giãn, học tập,…), loại bỏ dần những triệu chứng trầm cảm và tăng động lực tham gia vào các hoạt động của cuộc sống.

Các bước áp dụng

Kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực bao gồm 4 bước cơ bản sau đây:

Để có thể minh họa dễ hiểu hơn cho từng bước thực hiện, bài viết sẽ có lồng ghép một ví dụ về một trường hợp thực tế về một học sinh lớp 12 mất động lực học tập và một số bước trong quy trình thực hành.

Phỏng vấn tạo động lực

Một cuộc phỏng vấn tạo động lực sẽ luôn bắt đầu bằng việc người trợ giúp tìm hiểu về hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ giữa bệnh nhân với nhà trị liệu. Chúng ta cần đảm bảo mọi cuộc phỏng vấn đều bắt đầu một cách tự nguyện đối với cả hai bên và tạo được cảm giác an toàn, thoải mái. Đôi khi, những kế hoạch cho một buổi nói chuyện với bệnh nhân về những chủ đề mà khách hàng gặp khó khăn và muốn thảo luận sẽ cần được xây dựng để bắt đầu một buổi trò chuyện hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà tâm lý cần áp dụng những kỹ năng trong tham vấn như: lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi, nhắc lại, thấu cảm, để buổi trò chuyện có thể đạt được hiệu quả tốt nhất và không gây ra sự khó chịu.

Thảo luận lập kế hoạch

Ở bước này, người phỏng vấn sẽ cùng với bệnh nhân thảo luận về động lực hoặc niềm tin về sự thay đổi để tạo nền tảng cho sự cam kết ở bước sau. Chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi phân độ để nói về thay đổi nhằm tự nhận thức được tầm quan trọng, hay niềm tin của mình vào khả năng thành công của sự thay đổi. Dựa vào sự phân độ đó của bệnh nhân mà người thực hiện phỏng vấn có thể quyết định tiêu điểm của cuộc nói chuyện và lên kế hoạch những điều có thể thảo luận để chuẩn bị cho sự thay đổi của bệnh nhân, được thể hiện ở bảng dưới đây:

Các giai đoạn của sự thay đổi

Cam kết/quyết định

Sau khi thảo luận về kế hoạch thay đổi, người phỏng vấn cần thảo luận với bệnh nhân về sự cam kết thực hiện kế hoạch. Điều này để đảm bảo bệnh nhân có thực hiện theo kế hoạch đã được đề ra, từ đó người phỏng vấn theo dõi sự thay đổi của bệnh nhân (tiến bộ hay không tiến bộ) đối với kế hoạch đã đề ra để có thể có những điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp hơn.

Thay đổi lối sống

Việc thay đổi thói quen, lối sống không phải có thể thực hiện trong ngày một ngày hai, vì vậy cần có thời gian cho bệnh nhân thích ứng với sự thay đổi. Trong giai đoạn bệnh nhân đang tập thay đổi thói quen theo kế hoạch, người trợ giúp có thể đề nghị sự giúp đỡ, theo dõi kế hoạch thay đổi của bệnh nhân.

  1. Tổng kết

Kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực là một trong những kỹ thuật hiệu quả có thể áp dụng trong can thiệp với thanh thiếu niên trầm cảm. Người thực hành kỹ thuật cũng cần có đủ các kỹ năng cần thiết mới có thể có được hiệu quả nhất định. Vì vậy, ngoài những nhà tâm lý được đào tạo bài bản về các kỹ thuật can thiệp tâm lý thì một số đối tượng như các thành viên trong gia đình, bạn bè của bệnh nhân cũng có thể tham gia một số khóa hướng dẫn về các kỹ năng cơ bản, về kỹ thuật này để có thể giúp đỡ người thân, bạn bè của mình vượt qua những triệu chứng trầm cảm, lấy lại động lực trong cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bài giảng “Phỏng vấn tạo động lực” do Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV (VHATTC) tháng 5/2020.
  2. Đặng Hoàng Minh (2013), Sức khoẻ tâm thần trẻ em Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội
  3. Điều phối dịch và biên soạn PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh, Hoạt động thể lực trong phòng và điều trị bệnh, NXB Y học Hà Nội 2012
  4. Nguyễn Thị Minh Hằng (2013), Nghiên cứu hiệu quả của liệu pháp nhận thức hành vi và các yếu tố liên quan trong điều trị bệnh nhân trầm cảm

Bài viết cùng chủ đề: