Theo số liệu của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ tăng động giảm chú ý được viết tắt là ADHD (Attention Deficit HyperactivityDisorder) dao động từ 3,2 % đến 9,3% và đang có dấu hiệu tăng dần qua các năm.
Tuy nhiên, có hơn 35% trường hợp trẻ ADHD nhưng phụ huynh không nhận ra. Hoặc có nhiều trường hợp nhận ra vấn đề bất thường ở trẻ nhưng phụ huynh bối rối chưa biết phải làm gì. Điều này khiến việc can thiệp điều trị bị chậm trễ, hiệu quả không cao, thậm chí trẻ phải gánh chịu những hệ quả nặng nề suốt cuộc đời.
Vậy ADHD là gì? Định hướng can thiệp cũng như tư vấn hỗ trợ cho gia đình có trẻ ADHD như thế nào? Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc đó.
I. Khái niệm, phân loại
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là chứng rối nhiễu tâm lý thường gặp ở trẻ em, khởi phát sớm và có thể kéo dài cho tới tuổi trưởng thành.
ADHD được chẩn đoán rõ rệt nhất ở lứa tuổi 4 – 6 tuổi, thường thấy ở bé trai mắc nhiều hơn bé gái (gấp 4 – 10 lần). Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ rối loạn này ở bé gái cũng có xu hướng gia tăng.
Vậy chứng rối loạn tăng động giảm chú ý được phân loại như thế nào?
Theo hướng dẫn chẩn đoán DSM – IV của Hiệp hội Tâm Thần Mỹ, rối loạn tăng động giảm chú ý được chia thành 3 nhóm chính:
Rối loạn tăng động giảm chú ý – Dạng phối hợp: Phân nhóm này được chẩn đoán nếu có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý và ít nhất 6 triệu chứng tăng động bồng bột tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng. Hầu hết những trẻ em và thiếu niên có rối loạn này đều thuộc dạng phối hợp.
Rối loạn tăng động giảm chú ý – Dạng trội về giảm chú ý: Phân nhóm này được chẩn đoán khi có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý (nhưng có ít hơn 6 triệu chứng về tăng động bồng bột) tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng.
Rối loạn tăng động giảm chú ý – Dạng trội về tăng động bồng bột: Phân nhóm này được chẩn đoán khi có ít nhất 6 triệu chứng về tăng động bồng bột (nhưng có chưa đến 6 triệu chứng về giảm chú ý) tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng.
II. Định hướng can thiệp, điều trị:
Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể được điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai phương pháp này nhằm giúp giảm nhẹ các triệu chứng và sự ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống hàng ngày.
1. Thuốc điều trị
Điều trị bằng thuốc không phải là một phương pháp điều trị hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em một cách vĩnh viễn. Tuy nhiên, dưới tác dụng của thuốc, các hành vi của trẻ được kiểm soát một cách hiệu quả hơn, giúp trẻ tập trung tốt hơn, ít bốc đồng hơn, bình tĩnh hơn, đồng thời, có thể học và thực hành các kiến thức mới học. Tùy và tình trạng cụ thể của từng trẻ, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại thuốc và liều dùng phù hợp.
- Liệu pháp tâm lý
Các phương pháp điều trị tâm lý được sử dụng trong điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ gồm:
– Giáo dục tâm lý: Thảo luận với trẻ về chứng bệnh này và tác động của nó đến cuộc sống người bệnh, từ đó có tâm lý và hướng điều trị phù hợp.
– Trị liệu hành vi: Khuyến khích trẻ thực hiện các hành vi đã được hướng dẫn trước, thường xuyên khen trẻ, tạo động lực cho trẻ khi trẻ có tiến bộ.
– Đào tạo các kỹ năng xã hội: Dạy cho trẻ cách cư xử trong xã hội thông qua các hành vi và tác dụng của các hành vi đó.
– Liệu pháp hành vi nhận thức: Thay đổi cách suy nghĩ và ứng xử, từ đó thay đổi hành vi của trẻ.
– Tư vấn, truyền thông kiến thức về chứng ADHD cho phụ huynh: Hướng dẫn cho bố mẹ cách nói chuyện, chơi đùa với con cái và tăng sự tin tưởng của trẻ đối với bố mẹ, từ đó giúp trẻ kiểm soát hành vi và cải thiện mối quan hệ.
III. Công tác can thiệp trị liệu cho trẻ ADHD và hỗ trợ, tư vấn cho gia đình tại Khoa Tâm lý lâm sàng – Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương I.
Nắm rõ vai trò của cha mẹ trong giúp đỡ, hỗ trợ trẻ vượt qua những khó khăn liên quan tới các biểu hiện tăng động, giảm chú ý, xung động. Đồng thời sự phối hợp giữa gia đình và nhà chuyên môn trong việc điều trị, can thiệp trẻ là yếu tố tiên quyết giúp trẻ đạt tiến bộ nên khoa Tâm lý lâm sàng – Bệnh Viện TTTWI luôn luôn chú trọng công tác hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho gia đình có trẻ ADHD song song với việc can thiệp, trị liệu ngoại trú cho trẻ tại Khoa.
Với chức năng và nhiệm vụ chuyên môn, khoa Tâm lý lâm sàng tiếp nhận can thiệp và trị liệu cho nhóm trẻ rối loạn phát triển trong đó bao gồm trẻ tăng động giảm chú ý. Mỗi trẻ sẽ can thiệp tại khoa 01 giờ/ ngày, 5 ngày/tuần. Do mỗi trẻ có những khó khăn, điểm mạnh, điểm yếu và ở những lứa tuổi khác nhau nên nội dung, mục tiêu, định hướng can thiệp, trị liệu cũng được xây dựng một cách phù hợp nhất.
Hàng tuần, các cán bộ tâm lý sẽ cập nhật nội dung trị liệu và nhận xét sự tiến triển cũng như những vấn đề còn tồn tại của trẻ để đưa ra định hướng, kế hoạch trị liệu tiếp theo.
Một số hình ảnh trị liệu trẻ ADHD tại khoa Tâm lý lâm sàng:
Cán bộ trị liệu và trẻ trong giờ can thiệp.
Song song với việc trị liệu trẻ tại Khoa, công tác tư vấn, hỗ trợ cũng được Khoa đặc biệt quan tâm:
Cán bộ trị liệu hướng dẫn phụ huynh cập nhật kiến thức, sử dụng tài liệu chăm sóc trẻ tại nhà.
Cán bộ trị liệu giải đáp các thắc mắc, tư vấn phụ huynh cách hỗ trợ trẻ tại nhà.
Cán bộ trị liệu nhận xét kết quả can thiệp và tư vấn gia đình những định hướng can thiệp tiếp theo.
IV. Kết luận
Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý thường xuyên gặp khó khăn với việc kiểm soát cảm xúc, do đó, những lời chê bai, phê bình sẽ chỉ làm cho vấn đề của trẻ ngày càng trầm trọng hơn.
Vậy cha mẹ của trẻ có thể làm gì để thay đổi sự việc này. Cha mẹ hãy tập trung vào những điểm tích cực, các công việc mà trẻ làm tốt, điểm mạnh và sở thích của trẻ. Khi cha mẹ khen ngợi những việc trẻ làm tốt thay vì chỉ trích hay chê bai thì trẻ sẽ tự tin hơn, có khả năng kiểm soát các hành vi bột phát tốt hơn, kiềm chế cảm xúc và các hành vi tiêu cực như ném đồ, la hét, giận dữ.
Những việc cha mẹ cần làm:
Với bản thân:
– Luôn tỏ ra yêu thương gần gũi, tâm tình với con em mình để trẻ tâm sự, chia sẻ suy nghĩ với bố mẹ. Hãy thực hiện những hành động khiến cho trẻ yên tâm và cảm nhận bản thân các em luôn được yêu thương, được lắng nghe và được chăm sóc.
– Tôn trọng trẻ, lắng nghe các suy nghĩ, tâm tư, ý tưởng của trẻ để trẻ tin cậy và dần dần chia sẻ với bố mẹ các tâm tư tình cảm, suy nghĩ của mình.
– Cha mẹ cần biết được khi nào trẻ thấy thoải mái và khi nào trẻ đang bị quá tải. Hiểu được khả năng của con đến đâu để có thể hỗ trợ con đúng lúc và hỗ trợ đúng phương pháp.
– Tìm hiểu, nghiên cứu về chứng ADHD để hiểu các vấn đề của con từ các hội nhóm trẻ ADHD, từ những cha mẹ cũng có con mắc chứng ADHD. Cha mẹ cần hiểu rằng trẻ ADHD rất khác nhau, phương pháp có thể hiệu quả với trẻ này lại có thể không phù hợp với trẻ khác. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu nhiều phương pháp khác nhau và linh hoạt thay đổi để phù hợp với con em mình.
– Luôn biết cách kiên nhẫn với con. Kiềm chế các cảm xúc cáu giận của bản thân để không mắng hay chỉ trích các lỗi sai của trẻ.
– Làm gương cho con trong mọi việc, trẻ thấy bố mẹ bình tĩnh xử lý mọi chuyện không cáu gắt thì trẻ cũng sẽ tự bình tĩnh lại và không cáu nữa.
– Không áp đặt suy nghĩ của bố mẹ vào cho trẻ, cố gắng đứng ở vị trí của trẻ để hiểu suy nghĩ, lo lắng, băn khoăn của trẻ từ đó sẽ có biện pháp hỗ trợ trẻ cho thích hợp.
Với con:
– Phát hiện các dấu hiệu con cần giúp đỡ, hỗ trợ: trẻ tăng động giảm chú ý có thể rất rụt rè, sợ hãi khi nhờ người khác giúp đỡ vì trẻ quen với việc bị mắng, chê bai khi không biết làm như thế nào. Do đó, cha mẹ cần thực sự chú ý và nhận ra khi nào con cần được hỗ trợ.
– Hỗ trợ con đúng thời điểm: bố mẹ cần biết khi nào trẻ cần hỗ trợ và khi nào trẻ chỉ cần bố mẹ khuyến khích động viên để cố gắng hoàn thành công việc. Nếu bố mẹ hỗ trợ không đúng lúc, trẻ sẽ có thể chán nản và từ bỏ công việc. Nếu hỗ trợ quá nhiều trẻ sẽ bị ỉ lại và biết chỉ cần mình nhờ giúp đỡ sẽ được bố mẹ làm hộ mà không có sự nỗ lực để vượt qua thử thách.
– Hỗ trợ đúng với nhu cầu và khó khăn mà trẻ đang cần được giúp đỡ.
Thái độ hỗ trợ:
– Không định kiến: Thực sự nhìn rõ con đang gặp khó khăn và cần hỗ trợ: cha mẹ cần nhìn nhận rõ là trẻ không phải cố ý làm những hành vi mà bố mẹ không thích như chạy nhảy liên tục, không lắng nghe lời bố mẹ, không làm theo ngay khi bố mẹ nói, không học bài, làm việc nhà,… mà là trẻ thực sự gặp vấn đề trong kiểm soát sự tập trung và các hành vi bột phát.
– Không chỉ trích, chê bai: cha mẹ cần thay đổi cách nhìn nhận những kết quả của trẻ. Trẻ đã thực sự cố gắng và khả năng của con chỉ được như vậy. Thay vì chỉ nhìn thấy những lỗi sai, cái chưa tốt ở trẻ thì bố mẹ cần nhìn thấy những gì trẻ đã cố gắng
– Khuyến khích động viên: Luôn khen ngợi, động viên, khích lệ trẻ cố gắng thay vì quát mắng sẽ đem lại hiệu quả hơn rất nhiều. Trẻ ADHD luôn muốn được mọi người công nhận những cố gắng mà mình đã đạt được. VD: trẻ đã ngồi học được 15 phút không ra khỏi chỗ và bắt đầu ngọ nguậy. Cha mẹ có thể vào khích lệ trẻ và cho trẻ ra ngoài uống cốc nước rồi quay lại học bài, thay vì yêu cầu trẻ tiếp tục tập trung làm bài.
– Từ từ, kiên nhẫn, không giục dã: trẻ Tăng động giảm chú ý cần thời gian để chuyển đổi giữa các công việc, nên cha mẹ hãy cho trẻ thời gian để sẵn sàng kết thúc công việc cũ và chuyển sang việc khác. Kiên nhẫn với trẻ, nếu con không làm được hãy hướng dẫn tận tay, không thúc giục trẻ nhanh lên vì càng giục dã trẻ sẽ càng cuống và càng không làm được việc.
Cha mẹ hãy luôn nhớ rằng những lời động viên, khích lệ sẽ luôn hiệu quả hơn những lời chỉ trích chê bai. Hãy giúp trẻ bằng cách thể hiện sự thấu hiểu, bình tĩnh và chấp nhận các vấn đề của con. Cho trẻ biết rằng, bố mẹ luôn tin tưởng vào trẻ và nói với trẻ những điểm tốt mà con có.
Viết bài: Cử nhân tâm lý Trần Thị Quỳnh Trang
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Hội thi tay nghề Điều Dưỡng năm 2022
- Tiếp đoàn kiểm tra về quan trắc môi trường y tế.
- Chuyển giao kỹ thuật ghi, đọc điện não đồ – lưu huyết não đồ theo đề án 1816 của Bộ Y tế tại bệnh viện tâm thần Tỉnh Điện Biên
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.
- Mời báo giá: Cung cấp hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 phục vụ người bệnh và cán bộ công nhân viên bệnh viện.