Tự hào người điều dưỡng chuyên khoa tâm thần.

Bệnh nhân tâm thần là đối tượng người bệnh đặc biệt, họ bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi, được hiểu là rối loạn các mặt hoạt động của tâm thần như: cảm xúc, tình cảm, tư duy, suy nghĩ, hành vi tác phong, hoạt động lao động sinh hoạt, giao tiếp, rồi trí năng, trí nhớ,sự tập trung chú ý… Không ai có thể tiên lượng hay lường trước được những diễn biến bất thường của người bệnh cũng như những hành vi nguy hiểm của họ diễn ra hàng ngày một cách tuyệt đối. Phần lớn các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Tâm thần đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bệnh nhân không có người nhà chăm sóc nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều do các điều dưỡng của Bệnh viện phụ trách.

Người điều dưỡng trong chuyên khoa tâm thần phải làm các thao tác chuyên môn như tiêm, truyền ,cho người bệnh kích động ăn sonde… cho đến những việc chăm sóc nhỏ nhất như cắt tóc, cạo râu, gội đầu, rửa mặt, tắm cho người bệnh những việc mà tưởng như rằng người thân của người bệnh sẽ làm. Bởi vậy người điều dưỡng còn phải có trái tim nhân hậu, lòng yêu nghề, yêu thương người bệnh thực sự mới hoàn thành công việc của mình, họ còn tự trang bị cho mình kiến thức tâm lý học khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh dỗ dành người bệnh uống thuốc, tiêm thuốc, ăn cơm.( dẫn lời của BSCKII Nguyễn Tuấn Đại – Phó GĐ, Chủ tịch Hội đồng ĐD Bệnh viện).

       Hình ảnh các Điều dưỡng tiêu biểu được vinh danh.

Ngày 16/7/2024 vừa qua, tại hội nghị tôn vinh Điều dưỡng viên tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn 2020-2023, Điều dưỡng Trần Thị Mỹ Ngọc – Khoa Điều trị tự nguyện, thay mặt các điều dưỡng trong Bệnh viện vinh dự được nhận bằng khen này. Hình ảnh đẹp ấy không chỉ là niềm tự hào, là vinh dự của riêng đồng chí Ngọc, mà còn là cảm xúc chung của 299 điều dưỡng tại BVTTTW1 chúng tôi trong trận chiến lịch sử ấy với sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Nhớ lại những ngày tháng trong trận chiến Covid – 19, với đặc thù nghề nghiệp là chăm sóc những người bệnh tâm thần đã rất vất vả và khó khăn, công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid càng thêm nhọc nhằn, những người Điều dưỡng phải thay người nhà làm hết những công việc liên quan đến bệnh nhân, dù là nhỏ nhất. Nhiều người bệnh đã được hướng dẫn, nhắc nhở rất nhiều nhưng ý thức của họ không ghi nhớ được, chỉ một việc là hướng dẫn họ đeo khẩu trang đúng cách, mà ngày nào các Điều dưỡng viên cũng phải hướng dẫn lại và cùng làm với người bệnh. Chưa kể đến những tình huống người bệnh không hợp tác điều trị, có khi người bệnh kích động, trang phục bảo hộ thì vướng víu, thủ thuật thực hiện phức tạp, các ĐD phải kiên nhẫn, mềm mỏng để thuyết phục người bệnh hợp tác.

Chỉ có ở nơi đây: ngay cả giai đoạn giãn cách xã hội, phải cách ly người bệnh Covid, thì chúng tôi không thể giãn cách với người bệnh, dù biết nguy cơ lây nhiễm là rất lớn, đã không ít lần chúng tôi bị người bệnh giật khẩu trang khi đang tiếp xúc, khi làm thủ thuật. Nếu hỏi người bệnh vì sao, thì câu trả lời chúng tôi được nghe đơn giản chỉ là: thích thế… nhưng chúng tôi vẫn vỗ về an ủi, động viên giải thích, để bệnh nhân có thể hợp tác trong điều trị và chăm sóc.

Hình ảnh người Điều dưỡng chuyên khoa tầm thần chăm sóc người bệnh.

Và chỉ có ở nơi đây: trong những ngày chống dịch Covit đấy, hàng ngày chúng tôi đánh thức từng người bệnh dậy, đánh răng, rửa mặt, cùng người bệnh tập thể dục, cùng người bệnh ca hát, cho bệnh nhân uống từng viên thuốc, xúc cho bệnh nhân từng thìa cơm, thìa cháo. Vì đơn giản với những người bệnh ở đây điều quan trọng với họ chỉ là họ thấy vui hay buồn, thấy no hay đói, chứ không phải là con Covid nguy hiểm như thế nào.

Hình ảnh người Điều dưỡng chuyên khoa tâm thần hoạt đông cùng người bệnh.

Bất giác tôi nhớ về những ngày làm việc mang tên 4 tại chỗ: “Trong suốt thời gian cùng với các đồng nghiệp ở lại bệnh viện, thời gian kéo dài cả tháng không thể về nhà, là phụ nữ có đôi lúc mình cũng yếu đuối, nhớ con nhỏ, lo cho bố mẹ già… mình lại phải tự động viên bản thân kiên cường, sẵn sàng kề vai sát cánh cùng đồng nghiệp, đồng hành cùng người bệnh trong cuộc chiến cam go này, tự dặn lòng mình khi đã chọn công việc là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thì đây là thời điểm đất nước và đặc biệt là những người bệnh đang cần mình nhất!’’

Chúng ta đi qua đại dịch Covid-19, cả thế giới đã cùng nhau có 1 khoảng lặng. Những hậu quả sau đại dịch Covid thì vẫn đang còn là nhiệm vụ của toàn nhân loại. Ngành Y Tế còn phải đối mặt với những thách thức mới. Với đội ngũ 300 điều dưỡng viên trong Bệnh viện. Là những người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân từ thể chất đến tinh thần, điều mà chúng tôi thấy vui nhất chính là nhìn thấy những người bệnh được ra viện, trở về với cuộc sống thường nhật, biết chăm lo cho bản thân và gia đình họ. Qua bài viết này xin được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới Đảng ủy – BGĐ Bệnh viện, đã luôn tạo cho chúng tôi một môi trường làm việc thật tốt, xin cảm ơn BSCKII Nguyễn Tuấn Đại – Chủ tịch HĐĐD Bệnh viện, đã luôn quan tâm, động viên, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ Điều dưỡng trong sự phát triển của Bệnh viện.

 Hình ảnh ý nghĩa mà người Điều dưỡng chuyên khoa tâm thần được ghi nhận.

Trước khi khép lại bài viết này, tôi xin được nhắn lời với các bạn đồng nghiệp mến thân rằng: đội ngũ Điều dưỡng của chúng ta ở thời kỳ nào đi chăng nữa, vẫn phải là những trái tim ấm, với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân – lan tỏa tình yêu thương sự ân cần. Và tôi tự hào với 2 từ Điều dưỡng trên ngực áo mình biết bao!

Viết bài: Phòng Điều dưỡng

Bài viết cùng chủ đề: