Gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19

(Chinhphu.vn) – Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, 10/10/2021, tổ chức sáng 10/10 ở Hà Nội, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park, cho biết đại dịch COVID-19 tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần của mọi người và “làm nổi bật nhu cầu đang gia tăng về hỗ trợ sức khỏe tâm thần”.

 

Tại lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới tổ chức ở BV Tâm thần Trung ương 1, năm cán bộ của Bệnh viện được trao danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc Ưu tú do Chủ tịch nước ký. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho ba cán bộ BV. Ảnh: Vũ Oanh

Nhiều người lâu nay chủ yếu chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà dường như không mấy để ý hai trạng thái sức khỏe trọng yếu khác. Trong lễ kỷ niệm tổ chức ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhắc lại thông điệp về sức khỏe của WHO: “Không có sức khỏe tâm thần là không có sức khỏe”.

Hơn 60 nghiên cứu quốc tế ghi nhận gia tăng rối loạn tâm thần

Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm gia tăng một cách đáng kể các rối loạn tâm thần, làm trầm trọng thêm hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội kèm theo các hậu quả nặng nề của nó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói. Ông dẫn ra kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).

Trong khi đó, PGS.TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam (VnPA), dẫn một khảo sát nhanh của Hội cho thấy “sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và căng thẳng” là biểu hiện thường gặp trong cộng đồng, nhất là ở các vùng dịch đang diễn biến phức tạp. Tình trạng người lao động rời khỏi một số tỉnh phía nam để về quê có phần nguyên nhân không nhỏ là vấn đề tâm lý. “Sợ hãi, lo lắng và căng thẳng” không chỉ thấy ở ngoài cộng đồng mà còn lan cả vào các cơ sở điều trị, nơi lẽ ra tâm trạng có thể bớt căng thẳng hơn. Tại Bệnh viện Hồi sức COVID TPHCM do BV Chợ Rẫy phụ trách, 53,3% số bệnh nhân được khảo sát có rối loạn lo âu. Với nhóm bệnh nhân từng thở oxy dòng cao (HFNC) vẫn tại bệnh viện này, tỉ lệ trầm cảm lên đến 66,7%. Tình hình cũng tương tự với nhóm bệnh nhân từng thở máy hoặc thở oxy qua mặt nạ, theo Cổng Thông tin Điện tử Bộ Y tế.

“Chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân: Hãy biến điều đó thành hiện thực”

Thông điệp của WHO nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10/2021.

Biến động tâm lý đám đông thực ra không mới và hầu như ai cũng có thể biết. Tại lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới được tổ chức hằng năm kể từ 1992, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nói “mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 là điều bình thường và dễ hiểu”.

Biểu hiện và cũng là hệ quả của “nỗi sợ hãi, lo lắng, và căng thẳng” mà có thể quan sát được, ông Khuê cho rằng có thể là “nỗi sợ nhiễm virus trong một đại dịch COVID-19, những thay đổi đáng kể đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta khi bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội”, và cũng có thể là “những thực tế mới của làm việc tại nhà, tình trạng thất nghiệp tạm thời, con cái đi học nhưng học ở nhà và thiếu tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp”.

Còn theo PGS.TS. Bản, nhiều người có biểu hiện các rối loạn tâm bệnh, như lo lắng quá mức, lo âu, trầm cảm, hoảng loạn, mất ngủ, sợ bị cách ly, sợ nhiễm bệnh cho bản thân và gia đình, sợ không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, sợ chết. “Họ rất cần trợ giúp, tư vấn tâm lý của những nhà chuyên môn”.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Vũ Thị Oanh

Cần lập đầu mối thống nhất

COVID-19 “khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn”, “có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sức khỏe tâm thần”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Trên góc độ chuyên môn, bác sỹ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho hay bệnh viện của ông đã sớm thiết lập đường dây nóng tư vấn và phân phát “Cẩm nang Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19”. Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam cũng kêu gọi và tập hợp hội viên, tình nguyện viên tham gia Chương trình Hỗ trợ tâm lý xã hội khẩn cấp (PSFA – Psycho Social First Aid). Chương trình hoạt động trên tinh thần thiện nguyện với sự tham gia của khoảng 250 tình nguyện viên. Họ được tập huấn về các kiến thức và kỹ năng hỗ trợ khủng hoảng tâm lý-xã hội trong đại dịch COVID-19, các kiến thức cơ bản liên quan đến COVID-19, về hỗ trợ, tham vấn và can thiệp tâm lý trực tuyến, về nguyên tắc, quy định và quy trình hỗ trợ…

Theo các chuyên gia, đã đến lúc, lĩnh vực sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành và các lĩnh vực khác nhau. Bộ Y tế nên sớm có một đơn vị làm đầu mối xây dựng chính sách, kế hoạch, quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện và giám sát triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Các chương trình và hoạt động hỗ trợ về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội cho cộng đồng cần được khẩn trương lồng ghép và song hành với các kế hoạch phục hồi kinh tế cho cả các khối công và tư. Đặc biệt, Nhà nước cần tăng kinh phí cho các đề tài về tâm thần và tâm lý trong đó có khảo sát nhu cầu hỗ trợ tâm lý – xã hội hậu COVID-19 ở một số vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nói riêng tại BV Hồi sức COVID-19 TPHCM, vẫn theo khảo sát đã dẫn, 67% bệnh nhân rất mong được hỗ trợ tâm lý suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.

(nguồn Chinhphu.vn)