SKĐS – Liên quan đến vấn đề chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19, PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn vì đây là đối tượng có đặc thù riêng. Tuy nhiên, các y bác sĩ tại nhiều bệnh viện tâm thần vẫn đang nỗ lực hết mình để điều trị cho nhóm bệnh nhân này. Liên quan đến vấn đề chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19, PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Thưa ông, tại sao phải chú trọng chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19?
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng: Đã là bệnh nhân tâm thần họ sẽ không có đầy đủ nhận thức về mối nguy hiểm do COVID-19 mang lại như người bình thường. Bệnh nhân tâm thần và đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 không thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân trước bệnh tật.
Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thường đã khó, điều trị cho những trường hợp tâm thần nhiễm bệnh còn khó hơn. Chúng tôi coi họ là những người yếu thế và rất cần sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng, xã hội.
Mong ông cho biết những khó khăn trong việc điều trị bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 là gì?
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng: Vì không có nhận thức nên bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 thể di chuyển khắp nơi, việc trở thành nguồn lây là rất cao.
Trước hết phải nói đến việc phòng dịch đối với những bệnh nhân đặc biệt này, họ không tự ý thức thực hiện 5K, ví dụ không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, hoặc có thể trốn viện ra ngoài bằng nhiều hình thức mà nhân viên y tế khó có thể kiểm soát hoàn toàn 100% bệnh nhân. Vì vậy những người mắc vô tình sẽ làm phát tán bệnh tật cho bệnh nhân tâm thần ở xung quanh và nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, việc điều trị những F0 như cho uống thuốc, đeo bình oxy cũng khó thực hiện vì họ không ngồi yên. Thậm chí các bác sĩ phải cố định họ vào giường mới có thể tiến hành chữa trị.
Cái khó tiếp theo là không thể đưa bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 chuyển nặng về trung tâm hồi sức cấp cứu khác mà phải điều trị tại chỗ. Nhóm bệnh nhân này rất đặc thù nên cần chuẩn bị phương án tối ưu để chăm sóc, điều trị, cách ly riêng biệt.
Nhân lực đang làm việc tại các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần hiện nay đang thiếu rất nhiều. Bên cạnh đó chuyên môn về cấp cứu – hồi sức của nhân viên y tế không sâu vì vậy khi điều trị cho bệnh nhân có những chuyển biến xấu sẽ là một thách thức đối với họ. Ngoài ra, qua kiểm tra một số cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần, trang thiết bị, vật tư y tế cũng đang còn nhiều hạn chế.
Có nên tiêm vaccine COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần không thưa ông?
Trong thời điểm hiện tại khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất căng thẳng thì tiêm vaccine cho những bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 cũng rất cần thiết, tuy nhiên vấn đề này đang gặp phải một số tồn tại nhất định. Bởi chưa có quy định pháp lý nào về việc tiêm vaccine và cần người nhà bảo hộ cho bệnh nhân tâm thần có tiêm hay không.
Khó khăn tiếp theo, mặc dù các bệnh viện chuyên khoa tâm thần vẫn có thể thực hiện khám sàng lọc trước tiêm cho bệnh nhân, nhưng các bệnh tiềm ẩn, phức tạp sâu thì khó có thể phát hiện.
Xin ông cho biết về những áp lực của y bác sĩ trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần nói chung và bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 nói riêng?
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng: Bệnh nhân tâm thần là nhóm bệnh nhân đặc thù nên tất cả mọi sinh hoạt đến khám chữa bệnh cho đều do một tay các y bác sĩ thực hiện. Bởi vì đa phần bệnh nhân này điều trị dài hạn nên không thể cho người nhà vào chăm sóc, chỉ có nhân viên y tế chăm sóc từ ăn uống, tắm, gội, giặt giũ, cho đến vệ sinh cá nhân…
Quản lý bệnh nhân tâm lý ổn định công việc có thể giảm hơn nhưng đối với trường hợp lên cơn kích động rất khó khăn cho nhân viên y tế. Lúc này đòi hỏi nhân lực và sự xử trí nhanh của y bác sĩ.
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ông có đề xuất gì trong việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 tốt hơn không?
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng: Đầu tiên cần chú trọng đến vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho bệnh nhân. Thứ hai, các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần và đặc biệt tại những nơi đã xuất hiện ca nhiễm nên thành lập các khoa hồi sức – tích cực, phòng trường hợp số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao.
Bên cạnh đó, đào tạo thêm cho nhân viên y tế các kỹ năng phòng chống và điều trị bệnh COVID-19. Trang bị, bổ sung các thiết bị, vật tư y tế như máy thở, bình oxy, thuốc, xét nghiệm…
Ưu tiên dùng thuốc điều trị COVID-19 đối với những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh. Đối với cơ sở nào có nguy cơ tăng số lượng ca nhiễm phải có sự hỗ trợ về nhân lực từ các bệnh viện khác như bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa. Về vấn đề phòng bệnh cần cách ly tuyệt đối đối với nhân viên và bệnh nhân dương tính. Tăng cường quản lý bệnh nhân bằng hệ thống camera không để trốn ra ngoài và giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế. Thực hiện tốt 5K và tại chỗ.
Ngoài ra, tổ chức mô hình nhân viên y tế là F0 phối kết hợp với bệnh nhân tỉnh táo mắc bệnh để hỗ trợ chăm sóc ca nhiễm tại nơi điều trị. Chúng tôi cũng hy vọng các cấp chính quyền, xã hội, gia đình phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để thực hiện phòng, tiêm chủng, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiều hơn, hạn chế tối đa số ca nhiễm COVID-19.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
nguồn: suckhoedoisong.vn
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Chuyển giao kỹ thuật ghi, đọc điện não đồ – lưu huyết não đồ theo đề án 1816 của Bộ Y tế tại bệnh viện tâm thần Tỉnh Điện Biên
- Giáo dục tâm lý cho bệnh nhân trầm cảm trong liệu pháp tâm lý
- Thăm tặng quà cho các em bệnh nhi nhân ngày 01/06/2023.
- Chương trình tình nguyện “Ấm áp vùng cao 2022” của Đoàn thanh niên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
- Thông báo mời báo giá hệ thống xếp số tự động phục vụ công tác chuyên môn.