Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm được các nước trên thế giới tổ chức vào ngày 12 tháng 5, ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc con người, đặc biệt là chăm sóc người bệnh. Với thông điệp hành động cụ thể cho mỗi năm để các quốc gia cùng hưởng ứng và tổ chức lễ kỷ niệm. Năm 2024, ICN đưa ra thông điệp hành động nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng là: “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hiệu quả của chăm sóc điều dưỡng”.
Bà Florence Nightingale – Người sáng lập ra ngành điều dưỡng Thế giới (1820 – 1910).
Mỗi nghề nghiệp đều có đặc thù riêng với những thuận lợi, khó khăn mà không phải ai cũng thấu hiểu. Nghề điều dưỡng cũng vậy, việc chăm sóc người bệnh mang trong mình các vấn đề về sức khỏe với nhiều lo lắng, mệt mỏi, người điều dưỡng cần rất nhiều tình yêu thương, sự ân cần, thấu hiểu để đồng hành cùng người bệnh trong “cuộc chiến” với bệnh tật.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, với tính chất đặc thù chuyên ngành, có tính nguy hiểm cao và vô cùng phức tạp. Phần lớn người bệnh bị bệnh tái đi tái lại nhiều lần, xu hướng ngày một gia tăng làm ảnh hưởng tới mỗi gia đình và của toàn xã hội. Nhiều người bệnh đến viện với tình trạng bắt buộc vì họ không nhận thức được bệnh của mình, chẳng hạn như họ phủ định bệnh, chống đối điều trị… hoặc một số ít người bệnh còn có những hành vi nguy hiểm thậm chí có thể gây ra án mạng hoặc tự tử do hoang tưởng và ảo giác chi phối, nhiều người bệnh không có nguời thân phó mặc hoàn toàn cho bệnh viện vấn đề điều trị, chăm sóc và phục vụ người bệnh đều đè nặng lên vai của người điều dưỡng. Ngành tâm thần không chỉ chăm sóc sức khoẻ thể chất mà còn xoa dịu những nỗi đau về tinh thần, chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ…thậm chí cả vệ sinh cá nhân hàng ngày của người bệnh. Với gia đình, khi chăm một người nhà bị bệnh đã rất vất vả, khó khăn, với điều dưỡng cần chăm sóc hàng trăm, hàng nghìn người bệnh trong suốt thời gian làm nghề, mà lại là những người bệnh không chịu hợp tác thì công việc lại khó thêm bội phần. Công tác điều dưỡng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong chăm sóc và điều trị người bệnh tâm thần. Với nhiệm vụ phối hợp với bác sĩ trong điều trị, đồng thời trực tiếp hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc, theo dõi, chăm sóc người bệnh. Chính sự chuyên tâm, tận tụy, ân cần và những hy sinh thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng đã giúp cho không ít những số phận vươn lên tìm lại được ánh sáng của của đời mình thoát khỏi bệnh tật, trở về với cuộc sống bình thường.
Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện đã tham gia tăng cường lực lượng cho Thành phố Hồ Chí Mình, đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực tham gia cấp cứu, theo dõi, chăm sóc và điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19, góp phần cùng Bệnh viện phòng chống dịch hiệu quả.
Đội ngũ Điều dưỡng Bệnh viện tham gia tăng cường lực lượng cho Thành phố Hồ Chí Mình chống dịch Covid-19 năm 2021.
Hiểu được điều dưỡng là một phần không thể thiếu và góp phần lớn trọng sự phát triển nói chung của Bệnh viện, BGĐ Bệnh viện luôn quan tâm, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ điều dưỡng chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo công tác chăm sóc người bệnh được toàn diện, an toàn, mang lại sự hài lòng cao nhất nơi người bệnh. Tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng với 300 điều dưỡng luôn tâm huyết, có ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, tạo được niềm tin yêu của người bệnh, người nhà người bệnh. Trong bối cảnh bệnh viện chuyên khoa trung ương tuyến cuối của ngành tâm thần trong cả nước, với chỉ tiêu 620 giường bệnh. Tuy cả ngày bận rộn với công tác chăm sóc người bệnh, nhưng điều dưỡng vẫn tranh thủ thời gian trau dồi thêm kiến thức, cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong chăm sóc người bệnh: Hội thi tay nghề điều dưỡng, tập huấn công tác điều dưỡng về lập kế hoạch chăm sóc theo Thông tư số 31/2021/TT-BYT, đối với các điều dưỡng viên mới được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn. Ngoài ra các điều dưỡng viên đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học với kết quả cao được công bố trên các tạp chí y học chuyên ngành và đưa vào áp dụng có hiệu quả. Tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo điều dưỡng chuyên khoa chuyên khoa tâm thần cho các Bệnh viện Tâm thần tuyến Tỉnh hay các lớp Điều dưỡng chuyên khoa định hướng do Bệnh viện tổ chức.
Hội thi tay nghề của điều dưỡng viên trong Bệnh viện.
Phòng Điều dưỡng trong Hội nghị tập huấn công tác điều dưỡng về lập KHCS.
Lớp tập huấn chuyên môn cho các điều dưỡng viên mới.
Điều dưỡng Phùng Thị Kim Liên bảo vệ đề tài: “Khảo sát thực trạng chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương” được đăng bài trong tạp chí Y học Việt Nam tập 495.
Điều dưỡng Hoàng Thị Chuyên báo cáo nghiệm thu đề tài: “Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến bỏ thuốc ở người bệnh tâm thần phân liệt tái nhập viện tại BVTTTWI.
Tâm sự về câu chuyện làm nghề của mình, điều dưỡng Hoàng Tiến Lân – Điều dưỡng trưởng khoa PHCN được báo sức khỏe đời sống viết bài: Bảo mẫu “Lân tâm thần”. Anh tâm sự: “Người ta nói nghề điều dưỡng như một người bảo mẫu. Vừa làm cha, vừa làm mẹ. Có lúc phải rắn, có lúc phải mềm. Làm sao phải hoà nhập được với người bệnh. Nghề điều dưỡng cũng như làm dâu trăm họ, nhất là với chuyên ngành tâm thần lại càng khó!”. Đây cũng là một câu chuyện nghề đầy cảm xúc, một người điều dưỡng tận tâm với nghề.
Điều dưỡng Hoàng Tiến Lân và câu chuyện chia sẻ của mình trong báo Khoa học đời sống.
Sự tận tâm, nhiệt huyết và nỗ lực không ngừng bất kể thời gian đêm hay ngày, trong điều kiện thuận lợi hay khó khăn của các điều dưỡng viên đã làm nên vẻ đẹp của nghề điều dưỡng. Và ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I vẫn là những công việc: cho người bệnh dùng thuốc, cho người bệnh ăn cơm, mắc màn đắp chăn mỗi tua trực, tắm gội cho người bệnh, cắt tóc cạo râu, bấm móng tay móng chân, hướng dẫn người bệnh tập thể dục, cùng chuyện trò chia sẻ, giáo dục sức khỏe cho người bệnh…tỉ mỉ và chăm chút, ân cần và thấu hiểu. Tất cả đã trở thành món quà rất quý giá thể hiện tinh thần nhân văn, chiếu sáng những nơi tối tăm mà bệnh tật gây ra. Như ánh sáng trên tay người phụ nữ cầm cây đèn khai sinh ra ngành Điều dưỡng thế giới.
Viết bài: Phòng Điều dưỡng
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Hội thi thể thao cho người bệnh nhân dịp 68 năm (27/2/1955 – 27/2/2023) kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
- Đào tạo tâm thần cho y tế cơ sở
- Công điện khẩn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID19
- Mời báo giá: Mua sắm dự trù vật tư điện, nước tháng 4/2023
- Mời báo giá: Vật tư tiêu hao, công cụ dụng cụ cho người bệnh và nhân viên.