TÓM TẮT
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính (CT) viêm xoang mạn tính ở người bệnh đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 năm 2022. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 120 người bệnh được chẩn đoán viêm xoang mạn tính và có chỉ định chụp CT xoang. Các đặc điểm về tuổi, giới tính, vị trí tổn thương, loại tổn thương xoang, dị hình khe giữa và điểm số Lund-Mackay được thu thập và phân tích. Kết quả: Đa số người bệnh thuộc nhóm tuổi trên 50 (72,5%). Tỷ lệ giới tính cân bằng. Xoang hàm là vị trí tổn thương phổ biến nhất (78,33%), tiếp theo là xoang sàng (57,5%). Các tổn thương chủ yếu gồm đặc một phần xoang, dày toàn bộ niêm mạc hình vành khăn. Điểm Lund-Mackay trung bình là 8,3 ± 5,4. Tỷ lệ có dị hình khe giữa là 53,33%, trong đó dị hình mỏm móc 28,13% và cuốn giữa 31,35%. Kết luận: CT là công cụ có giá trị trong đánh giá viêm xoang mạn tính. Xoang hàm là vị trí thường gặp nhất với các hình ảnh đặc trưng và thường kèm theo các dị hình khe giữa, đóng vai trò quan trọng trong định hướng điều trị.
TỪ KHÓA: viêm xoang mạn tính, CT xoang, dị hình khe giữa, Lund-Mackay.
EVALUATION OF COMPUTED TOMOGRAPHY FINDINGS IN CHRONIC RHINOSINUSITIS AMONG PATIENTS EXAMINED AT THE NATIONAL PSYCHIATRIC HOSPITAL NO.1 IN 2022
ABSTRACT
Objective: To describe the computed tomography (CT) imaging characteristics of chronic rhinosinusitis in patients examined at the National Psychiatric Hospital No.1 in 2022. Methods: A cross-sectional descriptive study was conducted on 120 patients diagnosed with chronic rhinosinusitis who underwent paranasal sinus CT scans. Demographic data, lesion location, lesion types, and Lund-Mackay scores were recorded and analyzed. Results: The majority of patients were over 50 years old (72,5%). The gender distribution was equal. The maxillary sinus was the most commonly affected site (78,33%), followed by the ethmoid sinus (57,5%). Common findings included partial opacification and circumferential mucosal thickening. The mean Lund-Mackay score was 8,3 ± 5,4. Anatomical variations of the middle meatus were found in 53.33% of cases, mainly involving the uncinate process 28,13% and middle turbinate 31,25%. Conclusion: CT is an effective tool for assessing chronic rhinosinusitis. The maxillary sinus is the most frequently involved, often accompanied by characteristic imaging findings and middle meatal anatomical variations, which are valuable for treatment planning.
Keywords: chronic rhinosinusitis, sinus CT, middle meatus variation, Lund-Mackay score.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Viêm xoang mạn tính là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất đặc trưng bởi tình trạng viêm xoang và niêm mạc mũi trong ít nhất 12 tuần liên tiếp. Viêm xoang mạn tính ngày càng phổ biến trong chăm sóc ban đầu và thực hành Tai, Mũi và Họng. Tỷ lệ mắc ước tính dao động từ 5,5% ở Brazil đến 28% ở Iran, 8% ở Trung Quốc, 11% ở Hàn Quốc, 4,8% đến 12% ở Hoa Kỳ và 16% ở Hà Lan [1], và 5-12% ở Việt Nam [2].
Bệnh tâm thần, đặc biệt trầm cảm và lo âu ảnh hưởng đến nhận thức của người bệnh về nguyên nhân, phương pháp điều trị viêm xoang mạn tính, dẫn đến các triệu chứng trầm trọng hơn và điều trị dai dẳng hơn. Điều này có thể giải thích tại sao kết quả khách quan trên nội soi mũi và điểm CT xoang thường không tương quan với các triệu chứng xoang thực tế do người bệnh báo cáo. Đối với người bệnh viêm xoang mạn tính, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả điều trị. Một trong những nguyên nhân sâu xa và phổ biến là việc tuân thủ điều trị kém do các vấn đề về sức khỏe tâm thần và điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn của các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các vấn đề về sức khỏe thể chất. Bên cạnh chi phí điều trị tăng cao, hiệu quả điều trị kém thường dẫn đến sự bất mãn của người bệnh và sự thất vọng của nhân viên y tế [3], [4]. Theo Adam P. Campbell (2017) người bệnh viêm xoang mạn có các triệu chứng trầm cảm thì tỷ lệ nghỉ làm hoặc nghỉ học trung bình (SD) 3,1 (12,9) ngày [5].
Liên quan giữa viêm xoang mạn tính và sức khỏe tâm thần là vấn đề được nhiều tác giả trên thế giới nghiên cứu, tuy nhiên rất ít nghiên cứu ở Việt Nam, hiện tại chưa có công trình nào được tiến hành tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, do đó chúng tôi thực hiện đề tài “Nhận xét đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính viêm xoang mạn tính ở người bệnh đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 năm 2022”
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
120 người bệnh đến tái khám tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, có chẩn đoán viêm xoang mạn tính, được chụp cắt lớp vi tính trong khoảng thời gian từ tháng 1- 8/2022.
2.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn
– Người bệnh ngoại trú đến tái khám tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, đã được chẩn đoán mắc các rối loạn tâm thần theo ICD 10 (mã từ F0 đến F9).
– Được chẩn đoán viêm xoang mạn, được chụp và xác nhận chẩn đoán trên cắt lớp vi tính (CT).
– Có hồ sơ lưu trữ ghi chép đầy đủ thông tin.
2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ
– Người bệnh không được chẩn đoán viêm xoang mạn hoặc không chụp cắt lớp vi tính.
– Người bệnh không được chẩn đoán mắc các chứng rối loạn tâm thần.
– Người bệnh không đồng ý tham gia nghiên cứu.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu
Mô tả cắt ngang. Dựa trên hình ảnh phim chụp cắt lớp vi tính.
2.2.2. Công cụ thu thập số liệu nghiên cứu
Máy chụp cắt lớp vi tính.
Biểu mẫu thu thập thông tin từ bệnh án của người bệnh thiết kế riêng.
2.2.3. Cỡ mẫu nghiên cứu
Lấy mẫu thuận tiện từ tháng 03 – 08/2022.
2.2.4. Phương pháp thu thập dữ liệu:
Sử dụng phiếu thu thập thông tin được thiết kế sẵn, phân tích phim CT theo các thông số: loại xoang tổn thương, mức độ tổn thương (Lund-Mackay), tình trạng lỗ thông mũi xoang, dị hình khe giữa.
2.2.5. Phương pháp xử lý số liệu:
Phân tích thống kê mô tả, kiểm định Chi-square với p < 0,05 là có ý nghĩa thống kê.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Thông tin đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Bảng 1. Phân bố nhóm tuổi của đối tượng nghiên cứu
Nhóm tuổi | Dưới 30 | 30-50 | Trên 50 |
Số lượng | 7 | 26 | 87 |
Tỉ lệ (%) | 5,83 | 21,67 | 72,5 |
Tuổi trung bình | 56,5 ± 16,4 | ||
Trung vị | 58 |
Nhận xét: Người bệnh chủ yếu trên 50 tuổi (72,5%), tuổi trung bình 56,5 ± 16,4.
Biểu đồ 3. 1. Tỷ lệ giới tính trong nghiên cứu.
Nhận xét: Tỷ lệ giới tính nam:nữ là 1:1.
3.2. Đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính viêm xoang mạn ở người bệnh đến khám năm 2022 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
Bảng 2. Đặc điểm tổn thương các xoang trên phim CT
Loại xoang
n=120 |
Tổn thương | Bình thường | ||
Số lượng | Tỷ lệ % | Số lượng | Tỷ lệ % | |
Xoang hàm | 94 | 78,33 | 26 | 21,67 |
Xoang sàng | 69 | 57,50 | 51 | 42,50 |
Xoang trán | 29 | 24,17 | 91 | 75,83 |
Xoang bướm | 33 | 27,50 | 87 | 72,50 |
Nhận xét: Xoang hàm là vị trí tổn thương nhiều nhất (78,33%), kế tiếp là xoang sàng (57,5%), xoang trán (24,17%), xoang bướm (27,5%).
Bảng 3. Phân bố loại tổn thương xoang hàm và xoang sàng
Loại xoang
|
Xoang hàm (n=94) | Xoang sàng (n=69) | ||||
Trái
(n, %) |
Phải
(n, %) |
Hai bên
(n, %) |
Trái
(n, %) |
Phải
(n, %) |
Hai bên
(n, %) |
|
Đặc một phần xoang | 18 (19,15) | 20(21,28) | 38 (40,43) | 15 (21,74) | 12 (17,39) | 27 (39,13) |
Đặc toàn bộ xoang | 5 (5,32) | 7 (7,45) | 12 (12,77) | 1 (1,45) | 2 (2,90) | 3 (4,35) |
Dầy khu trú niêm mạc | 15 (15,96) | 6 (6,38) | 21 (22,34) | 9 (13,04) | 8 (11,59) | 17 (24,64) |
Dầy toàn bộ niêm mạc hình vành khăn | 12 (12,77) | 11 (11,70) | 23 (24,47) | 12 (17,39) | 10 (14,49) | 22 (31,88) |
Tổng | 50 (53,19) | 44 (46,81) | 94 (100) | 37 (53,62) | 32 (46,38) | 69 (100) |
Nhận xét: Tổn thương cả xoang hàm, xoang sàng thường gặp: đặc một phần xoang, dày niêm mạc khu trú, dày toàn bộ niêm mạc hình vành khăn. Tổn thương phân bố tương đương nhau bên trái, phải.
Bảng 4. Phân bố loại tổn thương xoang trán và xoang bướm
Loại xoang
|
Xoang trán (n=29) | Xoang bướm (n=33) | ||||
Trái
(n, %) |
Phải
(n, %) |
Hai bên
(n, %) |
Trái
(n, %) |
Phải
(n, %) |
Hai bên
(n, %) |
|
Đặc một phần xoang | 6 (20,69) | 4 (13,79) | 10 (34,48) | 7 (21,21) | 3 (9,09) | 10 (30,30) |
Đặc toàn bộ xoang | 2 (6,90) | 7 (24,14) | 9 (31,03) | 1 (3,03) | 2 (6,06) | 3 (9,09) |
Dầy khu trú niêm mạc | 4 (13,79) | 3 (10,34) | 7 (24,14) | 2 (6,08) | 4 (12,12) | 6 (18,18) |
Dầy toàn bộ niêm mạc hình vành khăn | 1 (3,45) | 2(6,90) | 3 (10,34) | 8 (24,24) | 6 (18,18) | 14 (42,42) |
Tổng | 13 (44,83) | 16 (55,17) | 29 (100) | 18 (54,55) | 15 (45,45) | 33 (100) |
Nhận xét: Tổn thương đặc một phần xoang phân bố nhiều nhất cả hai loại xoang trán và xoang bướm. Dầy toàn bộ niêm mạc hình vành khăn phân bố nhiều hơn ở xoang bướm cả bên trái, bên phải và hai bên.
Biểu đồ 3. 2. Thang điểm Lund-Mackay.
Nhận xét: Điểm Lund-Mackay trung bình: 8,3 ± 5,4. Điểm phân bố độ II, độ I nhiều hơn so với độ IV và độ III.
3.3. Đặc điểm dị hình giải phẫu
Bảng 5. Đặc điểm dị hình giải phẫu khe giữa
Các đặc điểm | Số lượng | Tỷ lệ % |
Dị hình khe giữa (n=120) | ||
Có dị hình | 64 | 53,33 |
Không có dị hình | 56 | 46,67 |
Đặc điểm dị hình khe giữa (n=64) | ||
Dị hình mỏm móc | 18 | 28,13 |
Dị hình cuốn giữa | 20 | 31,25 |
Dị hình bóng sàng | 19 | 29,69 |
TB đê mũi quá phát | 5 | 7,81 |
TB Haller | 2 | 3,13 |
Đặc điểm dị hình mỏn móc (n=18) | ||
Cong ra trước đơn thuần | 10 | 55,56 |
Cong ra trước kết hợp xoang hơi | 1 | 5,56 |
Cong ra ngoài đơn thuần | 5 | 27,78 |
Cong ra ngoài kết hợp xoang hơi | 2 | 11,11 |
Đặc điểm dị hình cuốn giữa (n=20) | ||
Xoang hơi | 11 | 55,00 |
Đảo chiều | 8 | 40,00 |
Xoang hơi kết hợp đảo chiều | 1 | 5,00 |
Nhận xét: Dị hình khe giữa gặp 53,33%, trong đó dị hình cuốn giữa chiếm đa số 31,25% (xoang hơi chiếm nhiều nhất 55%), dị hình mỏm móc 28,13% (nhiều nhất là cong ra trước đơn thuần 55,56%). Dị hình bóng sàng 29,69%.
IV. BÀN LUẬN
Nghiên cứu cho thấy viêm xoang mạn tính tập trung ở người lớn tuổi khác với Đỗ Hoàng Quốc Chinh (2024), theo tác giả nhóm hay mắc từ 31-45 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (40,4%), ít gặp nhất ở nhóm tuổi ≥60 (6,4%). Độ tuổi trung bình là 37,8 ± 10,6 [6].
Tổn thương chủ yếu ở xoang hàm 78,33% cao hơn so với Ngô Vương Mỹ Nhân và cộng sự (2013), tỉ lệ xuất hiện tổn thương xoang hàm chỉ 40,5% [7].
Dựa vào thang điểm Lund-Mackay, nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy tổng điểm chụp cắt lớp vi tính các xoang là 8,3 ± 5,4 (biểu đồ 3.2). Kết quả này thấp hơn so với của Ngô Văn Công [8] nghiên cứu trên bệnh nhân polyp mũi xoang 2 bên là 18±4,71, hoặc nghiên cứu của Lê Hải Nam là 10,8±2,4 [9].
Kết quả dị hình khe giữa của chúng tôi 53,33% cao hơn kết quả của tác giả Lusk, Mc Alister [10] là 35% hoặc như của Trương Hồ Việt [11] là 33,3%.
Các dấu hiệu hình ảnh học trên CT như đặc xoang và dày niêm mạc có giá trị trong đánh giá mức độ bệnh. Sự hiện diện của dị hình khe giữa chiếm tỷ lệ cao, cho thấy vai trò của bất thường giải phẫu trong cơ chế bệnh sinh viêm xoang mạn tính. Việc viêm mạn tính tiến triển sang các khoang lân cận sẽ liên quan tới tới khả năng kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn ngay từ ban đầu. Nói cách khác, một tình trạng viêm được điều trị triệt để và người bệnh giữ gìn vệ sinh ngay từ đầu, thì nguy cơ nó lan sang các xoang khác là thấp hơn. Tổn thương xoang sàng, xoang trán và xoang hàm đều chiếm tỷ lệ cao cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê với mặt bệnh tâm thần. Xu hướng chung là nhóm bệnh có khả năng tự chăm sóc bản thân càng kém, điểm LundMackay càng cao thì tỉ lệ bị viêm đa xoang càng lớn.
V. KẾT LUẬN
CT xoang là phương pháp hình ảnh đáng tin cậy giúp đánh giá toàn diện tình trạng viêm xoang mạn tính. Xoang hàm là xoang bị tổn thương phổ biến nhất. Các dị hình khe giữa có thể góp phần làm nặng thêm tình trạng bệnh và cần được chú ý trong điều trị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sedaghat AR, Kuan EC, and Scadding GK, Epidemiology of chronic rhinosinusitis: prevalence and risk factors. J Allergy Clin Immunol Pract, 2022. 10(10): p. 1395–403.
- Ngô Ngọc Liễn, Sinh lý niêm mạc đường hô hấp trên và ứng dụng. Nội san Tai-Mũi-Họng, 2000: p. 68-77.
- Chen T, Chidarala S, and Young G, Association of sinonasal computed tomography scores to patient-reported outcome measures: a systematic review and meta-analysis. Otolaryngol Head Neck Surg, 2023. 168: p. 628–34.
- Chen F, Liu L, and Wang Y, Prevalence of depression and anxiety in patients with chronic rhinosinusitis: a systematic review and meta-analysis. Otolaryngol Head Neck Surg, 2023. 168: p. 143–53.
- Adam P and Campbell MD, Depression symptoms and lost productivity in chronic rhinosinusitis. Otolaryngol Head Neck Surg, 2017. 118(3): p. 286-289.
- Đỗ Hoàng Quốc Chinh and Nguyễn Thị Khánh Vân, Đặc điểm lâm sàng của bệnh viêm mũi xoang mạn tính ở người lớn tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương. Tạp chí Y học Việt Nam, 2022. 539(1B): p. tr. 328-332.
- Ngô Vương Mỹ Nhân, Sự tương quan giữa nội soi mũi xoang và CT scan trong viêm mũi xoang mạn. Kỷ yếu Hội Nghị Khoa học Bệnh viện An Giang 2013. 10.
- Ngô Văn Công, Nguyễn Đình Bảng, and Hồ Khắc Cường, Hiệu quả ngăn ngừa tái phát polyp mũi xoang sau phẫu thuật nội soi bằng steroid xịt liều cao (budesonide). Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, 2009. 13(1): p. tr. 1-10.
- Lê Hải Nam, Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh nội soi và phim chụp cắt lớp vi tính trong bệnh viêm xoang mạn tính ở người lớn. 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Lusk, M.A. and A. el Fouley, Anatomic variation in pediatric chronic sinusitis: a CT study. Otolaryngol Clin North Am, 1996. 29(1): p. 75-91.
- Trương Hồ Việt, Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh chụp cắt lớp vi tính trong viêm xoang mạn tính, Hà Nội. p. 85. Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Hà Nội, 2005: p. tr. 85-93.
Người viết bài: BSCKII Nguyễn Trung Kiên
Khoa: Thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Chương trình Vui tết Thiếu nhi 1/6
- Mời báo giá: Dung dịch sát khuẩn tay y tế.
- Thông báo mở các lớp đào tạo liên tục năm 2023.
- Thông báo mời báo giá mua thiết bị công nghệ thông tin.
- Hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn phát hiện, chẩn đoán, điều trị một số rối loạn tâm thần ở người cao tuổi tại tỉnh Lạng Sơn.