“Ưu tiên sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc”
Hôm nay, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 long trọng tổ chức lễ mitting kỷ niệm 33 năm Ngày Sức khoẻ Tâm thần Thế giới (10/10/1992 – 10/10/2024). Ngày 10/10 hàng năm là dịp để cả thế giới nhìn lại, đánh giá và nâng cao nhận thức về một trong những khía cạnh thiết yếu của sức khỏe toàn diện: sức khoẻ tâm thần. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 bởi Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới, ngày này không chỉ nhằm mục tiêu lan tỏa thông điệp về sức khỏe tâm thần mà còn thúc đẩy các quốc gia, các tổ chức và các cá nhân hành động quyết liệt hơn trong việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ tâm thần.
Chủ đề năm nay, “Ưu tiên sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc”, là một vấn đề không mới nhưng ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển công nghệ và biến đổi xã hội đang tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Môi trường làm việc ngày nay đang đối diện với nhiều thách thức, và sức khoẻ tâm thần nơi công sở trở thành mối quan tâm hàng đầu. Tất cả chúng ta ngồi đây, không chỉ các bác sĩ hay điều dưỡng có chuyên môn chuyên ngành tâm thần, mà ngay cả những lao động không có chuyên môn, đều ít nhiều cảm nhận và tự đánh giá được mối quan hệ cơ hữu giữa sức khoẻ tâm thần và môi trường công việc. Công việc không chỉ là nguồn thu nhập, mà còn là nơi mỗi cá nhân khẳng định giá trị bản thân, phát triển kỹ năng, tạo dựng mối quan hẹ xã hội. Một môi trường làm việc an toàn và tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy sức khoẻ tâm thần. Ngược lại, những áp lực về kết quả công việc, cạnh tranh và các điều kiện làm việc không an toàn có thể gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng.
Thực tế là, vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Báo cáo từ WHO đến năm 2022 cho biết, trong tổng hơn 3,5 tỷ người lao động trên toàn cầu, có tới 15% dân số trong độ tuổi lao động đang phải đối mặt với vấn đề liên quan đến tâm thần trong đó tỷ lệ cao nhất là các rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm. Tình trạng này dẫn đến khoảng 12 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm, gây thiệt hại ước tính khoảng 1000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu do giảm năng suất lao động. Các nghiên cứu cho thấy rằng các công ty đầu tư vào sức khoẻ tâm thần của nhân viên không chỉ thấy sự cải thiện đáng kể về năng suất mà còn về sự gắn kết của nhân viên và khả năng giữ chân nhân sự. Một báo cáo từ Deloitte cho thấy cứ mỗi 1 USD chi cho các can thiệp về sức khoẻ tâm thần, nhà tuyển dụng nhận lại 4 USD nhờ cải thiện sức khỏe và năng suất lao động. Những nơi làm việc ưu tiên các sáng kiến về sức khỏe tâm thần tạo ra một nền văn hóa công sở tích cực, nơi nhân viên có thể phát triển mạnh mẽ.
Như vậy, môi trường làm việc cần có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Một môi trường làm việc thiếu an toàn và không lành mạnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, mà còn gây ra các vấn đề về tinh thần. Tiếng ồn, ánh sáng kém, không khí ô nhiễm, hay việc thiếu đi sự giao tiếp và hỗ trợ từ đồng nghiệp đều có thể tạo ra những áp lực vô hình, từ đó dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu. Các vấn đề khác như phân biệt đối xử, bạo lực, cô lập và quấy rối tại nơi làm việc không chỉ làm suy yếu tinh thần người lao động, mà còn có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức, thậm chí là hành vi tự hủy hoại. Đối với những người có rối loạn tâm thần sẵn có, những hành động này càng khiến trầm trọng thêm tình trạng của họ, đẩy họ vào tình trạng bị cô lập xã hội và gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì công việc. Tuy nhiên, nhiều nơi làm việc trên thế giới vẫn chưa coi trọng đúng mức về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Người lao động thường phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử khi mắc phải các vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Điều này khiến họ ngần ngại trong việc tìm kiếm sự trợ giúp, và là trở ngại lớn để người lao động được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc thích hợp.
Tại Bệnh viện Tâm thần TW1, với vai trò là cơ sở y tế đầu ngành về chăm sóc sức khoẻ tâm thần, chúng ta nhận thức rõ về ý nghĩa của sức khoẻ tâm thần, đặc biệt là đối với nhân viên y tế, nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Hoạt động chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ nhân viên bệnh viện luôn được ưu tiên. Các ca làm việc và thời gian nghỉ bù được quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên. Các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao được phát động, tổ chức và nhận được sự hưởng ứng cao từ cán bộ viên chức và người lao động. Hàng năm có sự khảo sát, đánh giá về mức độ hài lòng của nhân viên y tế đối với các khía cạnh trong công việc, kết quả khảo sát này là một tiêu chí đánh giá quan trọng đối với chỉ tiêu chất lượng bệnh viện. Công tác truyền thông, dự phòng trong những năm gần đây cũng được bệnh viện chú trọng, đẩy mạnh. Về hoạt động chuyên môn, bệnh viện là địa chỉ tin cậy để thăm khám, điều trị hiệu quả các rối loạn tâm thần liên quan đến công việc. Bệnh viện luôn sẵn sàng cung cấp các tư vấn cần thiết, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học.
Một tín hiệu khả quan là nhận thức về tầm quan trọng của sức khoẻ tâm thần trong công việc đang tăng lên. Rối loạn tâm thần đã được công nhận trong danh sách các bệnh nghề nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Một số quốc gia đã mở rộng danh sách này bao gồm căng thẳng liên quan đến công việc, kiệt sức, trầm cảm, và rối loạn giấc ngủ. Năm 2022, WHO đã đưa ra hướng dẫn về sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc, khuyến nghị các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy sức khoẻ tâm thần và phòng ngừa hậu quả do các rối loạn tâm thần gây ra. Để tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh về mặt tâm thần, các nhà quản lý có thể tham khảo các chiến lược sau:
+ Khuyến khích cởi mở: Khuyến khích nhân viên chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ mà không sợ bị kỳ thị hay phán xét. Nghiên cứu cho thấy 68% nhân viên sẽ cảm thấy được hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà quản lý nếu nơi làm việc khuyến khích các cuộc trò chuyện cởi mở về sức khỏe tâm thần.
+ Cung cấp tài nguyên: Cung cấp thêm các nguồn tài nguyên sức khỏe tâm thần như các dịch vụ tư vấn, và các hội thảo về quản lý căng thẳng. 83% nhân viên tại các tổ chức có chương trình sức khỏe tâm thần toàn diện cho biết họ cảm thấy gắn kết hơn tại nơi làm việc.
+ Khuyến khích cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Thúc đẩy các phương án làm việc linh hoạt và đảm bảo nhân viên có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên và đi du lịch để phục hồi năng lượng. Theo một nghiên cứu của Harvard Business Review, các công ty cung cấp các chế độ làm việc linh hoạt đạt mức tăng 55% về năng suất của nhân viên.
+ Đào tạo về quản lý: Trang bị cho các nhà quản lý các kỹ năng để nhận biết dấu hiệu căng thẳng tâm lý và hỗ trợ đội ngũ của họ một cách hiệu quả. Các nghiên cứu cho thấy rằng những tổ chức cung cấp đào tạo về sức khỏe tâm thần cho quản lý giảm 20% tỷ lệ kiệt sức của nhân viên.
+ Thúc đẩy sự hòa nhập: Tạo ra một môi trường làm việc hòa nhập, coi trọng sự đa dạng và đảm bảo tất cả các nhân viên đều cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao. Hỗ trợ sức khỏe tâm thần nên được điều chỉnh để phù hợp với các nhu cầu văn hóa đa dạng, vì nhân viên trong những môi trường làm việc hòa nhập có khả năng cảm thấy tâm trí khoẻ mạnh hơn 35%.
Bên cạnh vai trò then chốt của người quản lý, thì bản thân mỗi cá nhân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tự chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho chính bản thân mình cũng như đồng nghiệp. Điều này bao gồm việc thực hành các biện pháp chăm sóc bản thân, tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết và đóng góp vào việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, thấu hiểu. Một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy rằng những nhân viên thực hành tự chăm sóc thường xuyên cảm thấy tràn đầy năng lượng và hiệu quả hơn trong công việc, lên tới 60%.
Như vậy môi trường làm việc có vai trò rất quan trọng đối với sức khoẻ tâm thần của mỗi người. Tất cả chúng ta đều xứng đáng có được một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh. Hành động giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc phải cần được thực hiện từ hôm nay. Bằng cách đầu tư nỗ lực và nguồn lực vào các phương pháp tiếp cận và can thiệp cần thiết, chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người lao động đều có cơ hội bình đẳng phát triển trong công việc và cuộc sống. Hãy chung tay để chống lại sự giảm sút sức khỏe tâm thần và kiệt sức tại nơi làm việc. Hãy chung tay để tạo nên môi trường làm việc thân thiện và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của tất cả thành viên trong đó.
Mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, vì bản thân và vì đồng nghiệp của chúng ta!
Viết bài: BS. Hoàng Thị Thu Hương _ TP NCKH&HTQT
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Mời báo giá: May quần áo người bệnh.
- Mời bào giá bộ micropipet 1 kênh cố định
- Mời báo giá: Case máy vi tính và màn hình máy vi tính.
- Mời báo giá: Cung cấp vật tư thay thế, sửa chữa hệ thống xử lý nước sạch.
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 kỷ niệm 60 năm ngày thành lập