Phê duyệt đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ Y tế đột xuất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
DSCKII Nguyễn Thị Thanh Tuyền
Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng không chỉ đời sống vật chất mà còn là sức khỏe tâm thần (stress, lo âu, trầm cảm,…), tâm sinh lý, mối quan hệ xã hội, kinh tế, công việc và thói quen trong cuộc sống của người dân trên toàn thế giới [1]. Tại Châu Âu, theo báo cáo của tác giả P. Hyland và nhóm cộng sự [2] khi sử dụng thang đánh giá lo âu (GAD-7) và thang đánh giá trầm cảm (PHQ-9) đo lường tình trạng lo âu, trầm cảm của 1,041 người dân Ireland (từ 18 tuổi trở lên) trong đại dịch Covid-9 từ 31/3-5/4/2020, tỷ lệ lo âu, trầm cảm, lo âu hoặc trầm cảm của người dân Ireland lần lượt là 20,0% (95% CI: 17,55-22,41), 22,8% (95% CI: 20,22-25,32), và 27,7% (95% CI: 24,94-30,39). Mark Shevlin và nhóm cộng sự [3] đã khảo sát tình trạng lo âu, trầm cảm của người dân Anh (từ 18 tuổi trở lên) trong đại dịch Covid-19 qua việc sử dụng thang đánh giá lo âu (GAD-7) và thang đánh giá trầm cảm (PHQ-9) từ 23/3-28/3/2020. Tỷ lệ lo âu của người dân Anh là 21,6% (95% CI: 19,8-23,4), trong khi đó tỷ lệ trầm cảm của người dân Anh là 22,1% (95%CI: 20,3-23,9). Tại Châu Á, có 354 người dân Ấn Độ (từ 18 tuổi trở lên) đã tham gia trong nghiên cứu của tác giả Shankey Verma và Aditi Mishra [4] từ 4/4 -14/4/2020. Thang đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS 21) được sử dụng để xác định tình trạng stress, lo âu, trầm cảm của người dân Ấn Độ trong đại dịch Covid-19 với tỷ lệ lần lượt là 11,6%, 28.0%, và 25,0% (từ mức độ vừa đến cực kỳ nghiêm trọng). Cuiyan Wang và nhóm cộng sự năm 2020 [1], đã có 4,479 người dân Châu Á hoàn thành bộ công cụ về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Với việc sử dụng thang đo đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS-21) thì Thái Lan có tỷ lệ stress, lo âu, trầm cảm cao nhất, trong khi đó Việt Nam có tỷ lệ thấp nhất. Các yếu tố nguy cơ đối với vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19 bao gồm tuổi < 30, trình độ học vấn cao, tình trạng độc thân và ly hôn, sự phân biệt đối xử của các quốc gia khác và tiếp xúc với những người bị nhiễm COVID-19 (p <0,05). Tại Châu Mỹ, nghiên cứu của Jasmine Turna và nhóm cộng sự [5]có 632 người dân ở Canada và Hoa Kỳ đã hoàn thành cuộc khảo sát qua online từ 08/04-11/06/2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lo âu, trầm cảm của người dân trong đại dịch Covid-19 lần lượt là 31,0%, 29,0%, và 63% người dân cho biết mức độ stress cao đáng kể. Nữ giới, nhóm đối tượng trong độ tuổi trẻ và đã điều trị về sức khỏe tâm thần trong quá khứ là những yếu tố có liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19 (p <0,01). Tại Châu Đại Dương, một cuộc khảo sát online đã được thực hiện bởi RobertStanton và nhóm cộng sự [6] vào tháng 4 năm 2020 để xác định tình trạng trầm cảm, lo âu, stress, hoạt động thể chất, giấc ngủ, sử dụng rượu/bia và hút thuốc lá của 1,491 người dân (từ 18 tuổi trở lên) tại Úc. Thang đo đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS-21), Bộ công cụ khảo sát hoạt động của Úc (AAS), test xác định uống rượu quá mức (AUDIT-C) đã được nhóm tác giả sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, người dân đã có những thay đổi tiêu cực trong hành vi sức khỏe, cụ thể: hoạt động thể chất (chiếm 48,9%), giấc ngủ (chiếm 40,7%), sử dụng rượu/bia (chiếm 26,6%) và hút thuốc (chiếm 6,9%). Tại Châu Phi: Có 884 người dân Nigeria bao gồm 382 nhân viên y tế và 502 cư dân nói chung từ 18 đến 78 tuổi (M = 28,75, SD = 8,17) đã hoàn thành một cuộc khảo sát online từ 20/03 đến 19/04/2020 với các thang đo được sử dụng như thang đánh giá tác động của sự kiện (IES-R), thang đánh giá lo âu (GAD-7), thang đánh giá trầm cảm (PHQ-9), và thang đo ngủ (ISI). Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trầm cảm, mất ngủ, rối loạn stress sau sang chấn và lo âu của dân số nói chung (lần lượt là 23,5%, 15,1%, 42,8% và 49,6%) [7].
Tại Việt Nam, nghiên cứu của tác giả Phạm Tiến Nam, Nguyến Tuấn Hưng, và nhóm cộng sự [8] đã sử dụng thang đánh giá lo âu (GAD-7) để xác định tình trạng lo âu của người dân Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Một cuộc khảo sát online đã được tiến hành để đánh giá nhanh vào tháng 4 năm 2020. Trong tổng số 1,249 người tham gia, tỷ lệ lo âu của người dân Việt Nam là 8,5%. Trong mô hình hồi quy đa biến, các yếu tố như những người từ 60 tuổi trở lên, sinh sống vùng nông thôn, xem video cổ động liên quan đến Covid-19 có ý nghĩa thống kê. Nguyễn Nhân và nhóm cộng sự [9] đã sử dụng thang đo đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS-21) để đo lường tình trạng stress của 746 nhân viên y tế tuyến đầu tại Đà Nẵng từ 30/08-15/09/2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 44,6% nhân viên y tế có dấu hiệu của stress và 18,9% có dấu hiệu stress nặng hoặc rất nặng. Nguyễn Quang Tuấn và nhóm cộng sự [10] đã khảo sát trên 611 nhân viên y tế tại các bệnh viện ở Đà Nẵng và Quảng Nam từ 01/08-31/08/2020. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lo âu, trầm cảm, mất ngủ và các vấn đề tâm lý chung lần lượt là 26,84%, 34,70%, 34,53% và 46,48%. Tỷ lệ lo âu giữa các nhóm nhân viên y tế xấp xỉ bằng nhau và lo âu từ mức độ vừa đến nặng là phổ biến nhất ở các bác sĩ (11,11%). Tỷ lệ trầm cảm cao nhất ở điều dưỡng (38,65%) và trầm cảm từ vừa đến nặng chủ yếu ở bác sĩ (11,81%). Tỷ lệ mất ngủ ở bác sĩ là 34,03%, điều dưỡng là 36,20% và kỹ thuật viên là 31,21%, đặc biệt, tỷ lệ mất ngủ từ vừa đến nặng ở các bác sĩ và điều dưỡng cao hơn so với kỹ thuật viên. Tỷ lệ có các vấn đề tâm lý từ vừa phải đến nặng cao nhất ở nhóm bác sĩ (14,58%), tiếp theo là điều dưỡng (12,58%) và kỹ thuật viên (9,22%). Các yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê của các vấn đề tâm lý hiện tại là nghề nghiệp của bác sĩ hoặc điều dưỡng, dưới 1 năm kinh nghiệm, trình độ đại học, sống cùng với 4-5 người, khoảng cách 1000–5000 m giữa nhà ở và nơi làm việc, tham gia phòng chống COVID-19 dưới 1 tuần, bị cách ly xã hội tại nhà, bị ảnh hưởng nhiều bởi cộng đồng, trang thiết bị không đầy đủ trong điều kiện nơi làm việc hiện tại, thường xuyên làm việc tại khoa tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 và cảm thấy lo lắng, stress, hoặc buồn về công việc hiện tại [10]. Thân Mạnh Hùng và nhóm nghiên cứu [11] đã tiến hành một thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang với 173 nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương và Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2020. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thang đo đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS-21), thang đánh giá tác động của sự kiện (IES-R), thang đo ngủ (ISI). EQ-5D-5L được sử dụng để xác định kết quả chất lượng cuộc sống (HRQoL) liên quan đến sức khỏe. Trong số 173 nhân viên y tế, tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress lần lượt là 20,2%, 33,5% và 12,7%. Điểm chỉ số EQ-5D-5L trung bình là 0,93 (IQR = 0,85–0,94). Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19 có tỷ lệ các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn đáng kể và có kết quả HRQoL thấp hơn so với những người làm việc tại các bệnh viện không được chỉ định điều trị COVID-19. Các yếu tố khác liên quan đến stress tâm lý và giấc ngủ bao gồm độ tuổi, chức danh công việc, thu nhập, tình trạng bệnh mạn tính và số năm làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Nhân viên y tế ≥ 30 tuổi, có số năm làm việc cao hơn, thu nhập cao hơn, có vấn đề về sức khỏe tâm thần và giấc ngủ thì có điểm HRQoL thấp hơn [11].
Như vậy, đã có một vài nghiên cứu về thực trạng stress, lo âu, trầm cảm của người dân Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trong nước có cỡ mẫu nhỏ, được tiến hành khảo sát online trên phạm vi một tỉnh hoặc tập trung vào một nhóm đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cách ứng phó của người dân Việt Nam với các vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19 và một số yếu tố liên quan chưa được các nghiên cứu trong nước khai thác một cách sâu sắc. Hầu hết các nghiên cứu này chưa phản ảnh được thực trạng stress, lo âu, trầm cảm và một số yếu tố liên quan của nhóm đối tượng là nhân viên y tế, côngnhân trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, học sinh – sinh viên, nội trợ, lao động chân tay, buôn bán nhỏ,… Do đó, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu về thực trạng stress, lo âu, trầm cảm của nhóm nguy cơ trong đại dịch Covid-19, hành vi ứng phó và đề xuất mô hình giảm nhẹ hậu quả đối với sức khỏe tâm thần, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Sáng ngày 28 tháng 10 năm 2021 tại phòng họp số 306, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Tầng 3, Nhà C; Số 138B – Giảng Võ – Ba Đình – Hà Nội. Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đại diện là PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng – chủ trì nhiệm vụ đã báo cáo vắn tắt nội dung đề cương đề tài chỉ định cấp Bộ với các thành viên hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xác định, tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì và thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ y tế nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đề cương được đánh giá cao vì tính cấp thiết và tính mới, kết cấu chặt chẽ, viết chỉn chu, đưa ra khung lý thuyết rõ ràng, mạch lạc, tài liệu tham khảo là các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy trong hai năm gần đây, mô tả chính xác về tỷ lệ lo âu trầm cảm, một số các yếu tố liên quan trên thế giới và tại Việt Nam.
Sau hơn hai giờ họp và thống nhất, chủ tịch Hội đồng là Giáo sư Trương Việt Dũng và các thành viên trong Hội đồng theo quyết định số 4555/QĐ-BYT ngày 27/09/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã thống nhất phê duyệt tên nhiệm vụ khoa học là “Thực trạng stress lo âu, trầm cảm của một số nhóm nguy cơ trong đại dịch COVID-19, hành vi ứng phó và đề xuất mô hình giảm nhẹ hậu quả đối với sức khỏe tâm thần” thực hiện điều tra, đánh giá tại 6 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Đã Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM và Bình Dương từ tháng 3/2022 đến tháng 9/2023, với ba mục tiêu:
- 1. Đánh giá thực trạng stress, lo âu, trầm cảm của một số nhóm nguy cơ cao trong đại dịch COVID -19 và một số yếu tố liên quan.
- Mô tả hành vi ứng phó của một số nhóm nguy cơ cao trong đại dịch COVID – 19 và một số yếu tố liên quan.
- Thí điểm mô hình nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 đến sức khỏe tâm thần của một số nhóm nguy cơ cao.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi họp Hội đồng Khoa học và công nghệ tư vấn xác định, xét chọn tổ chức và cá nhân chủ trì, thẩm định kinh phí đề tài khoa học và công nghệ đột xuất cấp Bộ Y tế nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid – 19:
Thư ký hội đồng đọc quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và công nghệ tư vấn xác định, xét chọn tổ chức và cá nhân chủ trì, thẩm định kinh phí đề tài khoa học và công nghệ đột xuất cấp Bộ Y tế nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid – 19
PGS.TS.BS. Nguyễn Tuấn Hưng – chủ nhiệm đề tài báo báo cáo nội dung khung lý thuyết và cách thực hiện
Hội đồng thảo luận, góp ý và phê duyệt đề cương đề tài chỉ định cấp Bộ
Đề tài chính thức được phê duyệt theo Quyết định số 785/QĐ-BYT ngày 30 tháng 3 năm 2022.
Buổi họp thẩm định kinh phí đề tài chỉ định cấp Bộ ngày 10 tháng 3 năm 2022
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cuiyan Wang, et al., The impact of COVID-19 pandemic on physical and mental health of Asians: A study of seven middle-income countries in Asia. PloS one, 2021. 16(2): p. e0246824.
- Hyland P, et al., Anxiety and depression in the Republic of Ireland during the COVID‐19 pandemic. Acta Psychiatrica Scandinavica. Acta Psychiatrica Scandinavica, 2020. 142(3): p. 249-56.
- Mark Shevlin , et al., Anxiety, depression, traumatic stress and COVID-19-related anxiety in the UK general population during the COVID-19 pandemic. BJPsych Open, 2020. 6(6).
- Shankey Verma and Mishra A, Depression, anxiety, and stress and socio-demographic correlates among general Indian public during COVID-19. International Journal of Social Psychiatry, 2020. 66(8): p. 756-62.
- Jasmine Turna , et al., Anxiety, depression and stress during the COVID-19 pandemic: Results from a cross-sectional survey. Journal of Psychiatric Research, 2021. 137: p. 96-103.
- Robert Stanton , et al., Depression, anxiety and stress during COVID-19: associations with changes in physical activity, sleep, tobacco and alcohol use in Australian adults. International journal of environmental research and public health. 17, 2020. 11: p. 4065.
- Agberotimi SF, et al., Interactions between socioeconomic status and mental health outcomes in the nigerian context amid covid-19 pandemic: a comparative study. Frontiers in psychology, 2020. 11: p. 2655.
- Nam Pham Tien, et al., Anxiety among the Vietnamese Population during the COVID-19 Pandemic: Implications for Social Work Practice. Social Work in Public Health, 2021. 36(2): p. 142-9.
- Nhan Nguyen, et al., Stress and associated factors among frontline healthcare workers in the COVID-19 epicenter of Da Nang city, Vietnam. 2021.
- Tuan Nguyen Quang, et al., Prevalence and Factors Associated with Psychological Problems of Healthcare Workforce in Vietnam: Findings from COVID-19 Hotspots in the National Second Wave. Healthcare. Multidisciplinary Digital Publishing Institute, 2021.
- Than Hung Manh, et al., Mental health and health-related quality-of-life outcomes among frontline health workers during the peak of COVID-19 outbreak in Vietnam: a cross-sectional study. . Risk management and healthcare policy, 2020. 13: p. 2927.
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Họp hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.
- Tài liệu truyền thông giáo dục sức khoẻ về tự kỷ.
- Hội đồng Điều dưỡng họp góp ý, thông qua mẫu kế hoạch chăm sóc cấp 1, cấp 2 người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh Viện.
- Kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024).
- Mời báo giá: Phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết 2023