TÓM TẮT
Mục tiêu: Khảo sát thái độ về việc uống thuốc của người bệnh tâm thần phân liệt tái phát điều trị tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang trên 114 người bệnh được chẩn đoán tâm thần phân liệt tái phát theo ICD-10, đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từ tháng 9/2024 đến tháng 4/2025. Dữ liệu được thu thập qua phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi cấu trúc, phân tích thống kê mô tả. Kết quả: Điểm trung bình thang DAI-10 là 4,4±3,3, 88,6% người bệnh có thái độ tích cực với việc uống thuốc, trong đó nam giới 88,4%; trình độ dưới PTTH 92,2%; dưới 35 tuổi 89,6%; kiến thức đạt 89,9%; không quên uống thuốc 92,8%; có việc làm 89,5%; được gia đình động viên 88,7% và quản lý thuốc 91,2%; được cán bộ y tế hướng dẫn dùng thuốc 89,2% và nhắc nhở uống thuốc sau khi ra viện 91,5%; được nhận đủ thông tin về thuốc hướng tâm thần 94,7%. Kết luận: Người bệnh có thái độ tích cực với việc uống thuốc chiếm tỷ lệ cao trong nghiên cứu của chúng tôi, nghĩa là người bệnh có ý thức tuân thủ cao với việc uống thuốc, điều này rất có ý nghĩa trong quá trình điều trị bệnh TTPL. Tuy nhiên, việc tư vấn dùng thuốc và hỗ trợ người bệnh uống thuốc từ cán bộ y tế cần được duy trì, nâng cao hơn nữa, giúp cải thiện thái độ về việc uống thuốc của người bệnh tâm thần phân liệt.
Từ khóa: tâm thần phân liệt, uống thuốc, thái độ, tái phát.
SURVEY ON MEDICATION ATTITUDES AMONG PATIENTS WITH RELAPSED SCHIZOPHRENIA TREATED AT THE NATIONAL PSYCHIATRIC HOSPITAL NO. 1
SUMMARY
Objective: To assess the attitudes towards medication adherence among patients with relapsed schizophrenia undergoing treatment at the National Psychiatric Hospital No. 1. Methods: A cross-sectional study was conducted on 114 inpatients diagnosed with relapsed schizophrenia according to ICD-10 criteria at the National Psychiatric Hospital No. 1, from September 2024 to April 2025. Data were collected through face-to-face interviews using a structured questionnaire and analyzed using descriptive statistics. Results: The mean score on the Drug Attitude Inventory-10 (DAI-10) was 4,4 ± 3,3. A total of 88,6% of patients exhibited a positive attitude toward taking medication. Of these, 88,4% were male; 92,2% had an education level below high school; 89,6% were under 35 years old; 89,9% had sufficient knowledge about medication; 92,8% reported not forgetting to take medication; 89,5% were employed; 88,7% received encouragement from family; 91,2% had family members managing their medication; 89,2% received instructions from healthcare providers; 91,5% were reminded to take their medication after discharge; and 94,7% received adequate information about psychotropic medications. Conclusion: A high proportion of patients demonstrated a positive attitude toward medication adherence, indicating a strong awareness of treatment compliance among individuals with schizophrenia. This is crucial for the effective management of the disorder. However, continuous support and counseling from healthcare professionals regarding medication use remain essential to further improve patients’ attitudes toward medication adherence.
Keywords: schizophrenia, medication adherence, attitude, relapse.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Không tuân thủ điều trị là một trong những thách thức lớn trong quản lý lâu dài bệnh tâm thần phân liệt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 50% người bệnh không tuân thủ đầy đủ điều trị thuốc chống loạn thần, làm tăng nguy cơ tái phát, nhập viện lại và suy giảm chức năng xã hội [1], [2]. Thái độ của người bệnh đối với việc uống thuốc là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ. Thái độ tích cực giúp duy trì việc điều trị, trong khi thái độ tiêu cực hoặc thiếu hiểu biết dễ dẫn đến ngừng uống thuốc hoặc dùng không đúng cách [3]. Công cụ sử dụng để đánh giá thái độ của người bệnh tâm thần phân liệt với việc uống thuốc chống loạn thần là bảng kiểm thái độ với việc uống thuốc (DAI-drug attitude inventory). Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu nói về vấn đề này như Stjernsward (2013) sử dụng DAI-10, thấy rằng 13% số người có thái độ tích cực đối với việc uống thuốc chống loạn thần [4]. Điểm trung bình DAI-10 theo Nobuhiro (2018) là 4,7±4,2, người bệnh có thái độ tương đối tích cực với việc uống thuốc [5].
Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì điều trị liên tục và giáo dục sức khỏe tâm thần, nhưng tình trạng tái phát do không tuân thủ điều trị vẫn thường gặp, nhất là ở nhóm người bệnh tái nhập viện nhiều lần. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu các nghiên cứu chuyên sâu đánh giá thái độ uống thuốc ở người bệnh tâm thần phân liệt tái phát. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát thái độ về việc uống thuốc ở người bệnh tâm thần phân liệt tái phát đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
114 người bệnh có chẩn đoán tâm thần phân liệt theo ICD-10 tái phát nhập viện, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 trong khoảng thời gian từ tháng 9/2024 đến tháng 4/2025.
* Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu
+ Người bệnh được chẩn đoán tâm thần phân liệt theo ICD – 10 tái nhập viện hiện đang điều trị ổn định tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
+ Người bệnh tỉnh, giao tiếp được.
+ Người bệnh tự nguyện tham gia nghiên cứu.
* Tiêu chuẩn loại trừ
+ Người bệnh mắc bệnh cấp tính hiện đang điều trị tại thời điểm nghiên cứu.
+ Người bệnh có chẩn đoán nghiện chất, lạm dụng chất kèm theo.
+ Người bệnh không tự nguyện tham gia nghiên cứu.
2.2. Địa điểm, thời gian nghiên cứu
+ Địa điểm: Tại các khoa điều trị nội trú tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
+ Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 9/2024 đến tháng 4/2025.
* Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang thông qua phỏng vấn bằng bộ câu hỏi đã thiết kế sẵn.
* Cỡ mẫu trong nghiên cứu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu khi biết tỉ lệ trong quần thể:
n = | Z21-α/2 p (1-p) | = | 1,96 *0,13(1-0,13) | = 88,7 xấp xỉ 89 |
d2 | (0.05)2 |
Trong đó:
n: cỡ mẫu tối thiểu
Z21-α/2: là giá trị từ phân bố chuẩn, được tính dựa trên mức ý nghĩa thống kê (Z21-α/2=1,96 nếu mức ý nghĩa thống kê = 5%)
p: tỷ lệ theo nghiên cứu trước đây của Stjernsward (2013) [4] là 13%.
d: mức sai số chấp nhận 0,05.
Dự phòng thất thoát mẫu trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi lấy lên 10%= 10*89 + 89 = 9 + 89 = 98 người bệnh. Trong quá trình thu thập số liệu chúng tôi đã lấy được 114 phiếu thu thập thông tin, phỏng vấn người bệnh tâm thần phân liệt đủ điều kiện đưa vào phân tích.
* Công cụ nghiên cứu
– Bộ câu hỏi thiết kế sẵn phiếu hỏi một số thông tin sức khỏe của người bệnh tâm thần phân liệt.
– Hồ sơ bệnh án gốc.
2.4. Phương pháp phân tích, xử lý số liệu:
Sử dụng phần mềm SPSS 22.0. Kết quả được xử lý theo thống kê mô tả bằng giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn (SD) và tính toán theo tỷ lệ phần trăm. Các yếu tố liên quan đến thái độ tích cực/tiêu cực về việc uống thuốc, tính tỷ lệ OR, sử dụng p để so sánh sự khác biệt có/không có ý nghĩa thống kê.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Điểm trung bình thang đánh giá thái độ tích cực/tiêu cực của người bệnh với thuốc (DAI 10)
Bảng 1. Điểm trung bình thang đánh giá thái độ tích cực/tiêu cực của người bệnh với thuốc
Điểm thang DAI 10 của đối tượng nghiên cứu | Điểm tích cực + 1 | Điểm tiêu cực – 1 | ||
n= 114 | % | n=114 | % | |
Tổng điểm tích cực/tiêu cực | 101 | 88,6 | 13 | 11,4 |
Tổng điểm trung bình | 4,4±3,3 |
Nhận xét:
Tổng điểm trung bình thang DAI-10 là 4,4±3,3. Số người bệnh có thái độ tích cực với thuốc là 101 (88,6%), thái độ tiêu cực với thuốc là 13 (11,4%).
3.2. Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu và thái độ với việc uống thuốc
3.2.1. Đặc điểm thông tin chung người bệnh và thái độ với việc uống thuốc
Bảng 2. Đặc điểm thông tin chung người bệnh và thái độ với việc uống thuốc
Đặc điểm | Thái độ với việc uống thuốc | Tổng | ||
Tích cực (n, %) | Tiêu cực (n, %) | |||
Giới tính | Nam | 84 (88,4) | 11 (11,6) | 95 (100) |
Nữ | 17 (89,5) | 2 (10,5) | 19 (100) | |
Trình độ học vấn | ≥ PTTH | 54 (74,6) | 9 (25,4) | 63 (100) |
< PTTH | 47 (92,2) | 4 (7,8) | 51 (100) | |
Tuổi của người bệnh | ≤ 35 tuổi | 69 (89,6) | 8 (10,4) | 77 (100) |
> 35 tuổi | 32 (86,5) | 5 (13,5) | 37 (100) | |
Thu nhập bản thân | Có | 15 (83,3) | 3 (16,7) | 18 (100) |
Không | 86 (89,6) | 10 (10,4) | 96 (100) | |
Hôn nhân | Có bạn tình | 95 (88,8) | 12 (11,2) | 107 (100) |
Không bạn tình | 6 (85,7) | 1 (14,3) | 7 (100) | |
Kiến thức | Đạt | 98 (89,9) | 11 (10,1) | 109 (100) |
Chưa đạt | 3 (60) | 2 (40) | 5 (100) | |
Quên uống thuốc | Không | 77 (92,8) | 6 (7,2) | 83 (100) |
Có | 24 (77,4) | 7 (22,6) | 31 (100) |
Nhận xét:
Thái độ tích cực với việc uống thuốc ở hai giới tương đương nhau; người có trình độ dưới PTTH tích cực hơn người trình độ từ PTTH trở lên, nhóm tuổi trẻ dưới 35 tích cực hơn nhóm trên 35 tuổi. Người có kiến thức đạt tích cực hơn người chưa đạt 89,9% so với 60%. Người không quên uống thuốc có thái độ tích cực với việc uống thuốc cao hơn người quên uống thuốc 92,8% so với 77,4%.
3.2.2. Đặc điểm về gia đình người bệnh và thái độ với việc uống thuốc
Bảng 3. Đặc điểm về gia đình người bệnh và thái độ với việc uống thuốc
Đặc điểm | Thái độ với việc uống thuốc | Tổng | ||
Tích cực (n, %) | Tiêu cực (n, %) | |||
GĐ động viên, quan tâm, thăm nom | Có | 86 (88,7) | 11 (11,3) | 97 (100) |
Không | 15 (88,2) | 2 (11,8) | 17 (100) | |
GĐ nhắc nhở uống thuốc | Có | 90 (88,2) | 12 (11,8) | 102 (100) |
Không | 11 (91,7) | 1 (8,3) | 12 (100) | |
GĐ đưa thuốc cho uống | Có | 79 (87,8) | 11 (12,2) | 90 (100) |
Không | 22 (91,7) | 2 (8,3) | 24 (100) | |
GĐ quản lý thuốc | Có | 93 (91,2) | 9 (8,8) | 102 (100) |
Không | 18 (81,8) | 4 (18,2) | 18 (100) |
Nhận xét:
Thái độ tích cực với việc uống thuốc của người bệnh gần như tương đương nhau khi mà người bệnh được gia đình quan tâm hay không, có nhắc nhở uống thuốc, đưa thuốc cho uống hay quản lý thuốc hay không.
Bảng 4. Đặc điểm mối quan hệ của cán bộ y tế và thái độ với việc uống thuốc của người bệnh
Đặc điểm | Thái độ với việc uống thuốc | Tổng | ||
Tích cực (n, %) | Tiêu cực (n, %) | |||
CBYT đưa thuốc cho NB | Có | 99 (89,2) | 12 (10,8) | 111 (100) |
Không | 1 (33,3) | 2 (66,7) | 3 (100) | |
CBYT hướng dẫn dùng thuốc | Có | 99 (89,2) | 12 (10,8) | 111 (100) |
Không | 2 (66,7) | 1 (33,3) | 3 (100) | |
CBYT nhắc nhở uống thuốc sau ra viện | Có | 75 (91,5) | 7 (8,5) | 82 (100) |
Không | 26 (81,2) | 6 (18,8) | 32 (100) |
Nhận xét: Người bệnh được CBYT đưa thuốc cho uống có thái độ tích cực với việc uống thuốc 89,2% gấp 2,7 lần so với người không được CBYT đưa thuốc cho uống 33,3%.
Người bệnh được CBYT hướng dẫn dùng thuốc có thái độ tích cực với việc uống thuốc 89,2% gấp 1,3 lần so với người không được CBYT hướng dẫn dùng thuốc 66,7%.
Người bệnh CBYT nhắc nhở uống thuốc sau ra viện có thái độ tích cực với việc uống thuốc 91,5%, gấp 1,1 lần so với người không được nhắc nhở 81,2%.
3.2.3. Đặc điểm về thuốc và thái độ với việc uống thuốc của người bệnh
Bảng 5. Đặc điểm về thuốc và thái độ với việc uống thuốc của người bệnh
Đặc điểm | Thái độ với việc uống thuốc | Tổng | ||
Tích cực (n, %) | Tiêu cực (n, %) | |||
TD KMM của thuốc | Có | 61 (85,9) | 10 (14,1) | 71 (100) |
Không | 40 (93,0) | 3 (7,0) | 43 (100) | |
Nhận đủ thông tin về thuốc chống loạn thần | Có | 54 (94,7) | 3 (5,3) | 57 (100) |
Không | 47 (82,5) | 10 (17,5) | 57 (100) |
Nhận xét: Người bệnh không được theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc có thái độ tích cực với việc uống thuốc cao hơn so với có được theo dõi 93,0% và 85,9%.
Người bệnh được nhận đủ thông tin về thuốc chống loạn thần có thái độ tích cực với việc uống thuốc 94,7%, gấp 1,1 lần so với người bệnh không nhận đủ thông tin 82,5%.
III. BÀN LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bệnh tâm thần phân liệt (TTPL) tái phát có thái độ tích cực đối với việc uống thuốc là 88,6%. Tỷ lệ này cao hơn so với một số nghiên cứu trước đây, ví dụ như nghiên cứu của Velligan và cộng sự (2009) cho thấy chỉ khoảng 60–70% người bệnh có thái độ tích cực hoặc trung lập với việc dùng thuốc chống loạn thần [6]. Điều này cho thấy sự cải thiện đáng kể trong nhận thức và tuân thủ điều trị ở người bệnh trong nghiên cứu hiện tại, có thể là nhờ vào các hoạt động giáo dục sức khỏe, tư vấn và sự hỗ trợ của gia đình và nhân viên y tế.
Các yếu tố liên quan đến thái độ tích cực bao gồm: nam giới, trình độ học vấn thấp hơn trung học phổ thông, độ tuổi dưới 35 tương đương với Lei Dou (2020) khi cho rằng nhóm người bệnh lớn tuổi có thái độ tích cực với việc uống thuốc thấp hơn so với nhóm người bệnh trẻ tuổi do tuổi tác gây suy giảm trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức [7], có việc làm, không quên uống thuốc, và đặc biệt là có sự hỗ trợ từ gia đình cũng như được hướng dẫn đầy đủ từ nhân viên y tế. Những yếu tố này phù hợp với các nghiên cứu trước của Aydin E (2018) [8], Oladipo A Sowunmi (2022) [9], nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới xã hội và hệ thống y tế trong việc duy trì tuân thủ điều trị.
Điểm trung bình DAI-10 trong nghiên cứu này là 4,4 ± 3,3 – nằm trong khoảng điểm thể hiện thái độ tích cực tương đương với tác giả Oladipo A Sowunmi (2022) 4,49 ± 3,92 [9]. Mặc dù vậy, mức điểm này chưa thực sự cao (tối đa là +10), cho thấy vẫn còn tồn tại nhóm người bệnh có thái độ trung lập hoặc tiêu cực, đòi hỏi cần tăng cường các biện pháp can thiệp, đặc biệt là sau khi xuất viện – giai đoạn nguy cơ cao cho việc không tuân thủ và tái phát [4].
Mặc dù nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người bệnh được nhận thông tin đầy đủ về thuốc là khá cao (94,7%), nhưng điều này vẫn cần được duy trì thường xuyên, cập nhật kiến thức và thực hành giao tiếp hiệu quả giữa nhân viên y tế và người bệnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý sau ra viện và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cũng là các chiến lược then chốt.
IV. KẾT LUẬN
Nghiên cứu cho thấy phần lớn người bệnh TTPL tái phát đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có thái độ tích cực với việc uống thuốc. Điều này là một tín hiệu đáng mừng, phản ánh sự cải thiện trong nhận thức và tuân thủ điều trị, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao hơn nữa thái độ tích cực này, cần tiếp tục chú trọng vào các hoạt động tư vấn, giáo dục sức khỏe, hỗ trợ sau ra viện, và sự phối hợp giữa gia đình – người bệnh – nhân viên y tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- World Health Organization, Schizophrenia. 2022.
- Lacro JP, et al., Prevalence of and risk factors for medication nonadherence in patients with schizophrenia: a comprehensive review of recent literature. J Clin Psychiatry, 2002. 63(10): p. 892–909.
- Higashi K, Medic G, and Diez T, Medication adherence in schizophrenia: factors influencing adherence and consequences of nonadherence, a systematic literature review. Ther Adv Psychopharmacol, 2013. 3(4): p. 200–218.
- Stjernswärd Sigrid, A modified Drug Attitude Inventory used in long-term patients in sheltered housing. European Neuropsychopharmacology, 2013. 3(10): p. 1296-1299.
- Nobuhiro Nagai, Drug Attitude, Insight, and Patient’s Knowledge About Prescribed Antipsychotics in Schizophrenia: A Cross-Sectional Survey. Neuropsychiatric Disease and Treatment, 2020. 16: p. 781–787.
- Velligan DI, et al., The expert consensus guideline series: adherence problems in patients with serious and persistent mental illness. Journal of Clinical Psychiatry, 2009. 70(4): p. 1–46.
- Lei Dou, et al., Factors Associated with Medication Adherence Among Patients with Severe Mental Disorders in China: A Propensity Score Matching Study. Patient Prefer Adherence, 2020. 1(14): p. 1329–1339.
- Aydin E, et al., The validity and reliability of the Turkish version of drug attitude inventory-10. Noropsikiyatri Arsivi. Noropsikiyatri Arsivi, 2018. 55(3): p. 238–242.
- Oladipo A. Sowunmi, Psychometric properties of Drug Attitude Inventory among patients with schizophrenia. South African Journal of Psychiatry, 2022. 28(1): p. 1-5.
Người viết bài: Điều dưỡng chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Việt Thanh
Khoa Điều trị Tự nguyện, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Ngày công tác xã hội Việt Nam (25/03) gửi lời tri ân tới các mạnh thường quân!
- Một ngày từ tâm – Một bữa cơm ấm
- Mời báo giá: Vật tư tiêu hao, công cụ dụng cụ phục vụ người bệnh và nhân viên.
- Hội thảo khoa học tháng 8/2024: Thuốc chống loạn thần trong điều trị triệu chứng âm tính ở bệnh nhân tâm thần phân liệt – Hiệu quả, an toàn và dược động học.
- Mời tham gia tư vấn tổ chức lựa chọn nhà thầu thuốc.