Trầm cảm ở thanh thiếu niên – đừng để tuổi trẻ chìm trong im lặng.

I. Trầm cảm là gì? Tại sao thanh thiếu niên dễ mắc trầm cảm?

1. Trầm cảm là một bệnh lý, không phải trạng thái cảm xúc nhất thời.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO):

“Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung”.

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên:

Theo WHO, lứa tuổi vị thành niên là từ 10 – 19 tuổi. Các triệu chứng trầm cảm ở vị thành niên cũng giống như người lớn nhưng có một vài điểm khác biệt như:
– Cảm xúc thường bị kích thích (chứ không trầm) vẻ mặt bệnh nhân cáu giận, khả năng kiềm chế cảm xúc rất thấp vì vậy rất dễ nổi khùng trước một kích thích không vừa ý dù là rất nhỏ.
– Mất ngủ nhiều, có thể thức trắng đêm nên bệnh nhân dễ lạm dụng game, internet. Người bệnh thường lang thang trên mạng suốt đêm.
– Mệt mỏi thường xuyên.
– Khó tập trung chú ý, trí nhớ kém vì vậy học hành thường giảm sút.
– Hay có ý định và hành vi tự sát.

Trẻ mắc trầm cảm không thể “vui lên” chỉ bằng lời khuyên hay mệnh lệnh. Đây là một vấn đề y khoa cần được thăm khám và điều trị đúng cách.

  1. Vì sao thanh thiếu niên dễ bị trầm cảm?

Tuổi từ 10 đến 19 là giai đoạn chuyển tiếp từ thanh thiếu niên thành người lớn với những thay đổi “phức tạp” cả về tâm lý và thể chất. Trong khoảng thời gian này, các em phải đối diện với:

+ Sự thay đổi nội tiết tố mạnh mẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ.

+ Áp lực học hành, thi cử, chọn nghề ngày càng lớn.

+ Khủng hoảng bản sắc cá nhân, chưa xác định được giá trị bản thân.

+ Kỳ vọng cao từ gia đình, hoặc sự kiểm soát thái quá, thiếu tin tưởng.

+ Các mối quan hệ xã hội phức tạp, bị bắt nạt, cô lập, mất bạn bè.

+ Tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội, so sánh bản thân, sống “ảo” nhưng cô đơn

thật.

Tất cả những yếu tố này, nếu không được hỗ trợ kịp thời, có thể dồn bệnh nhân vào trạng thái mất phương hướng, mất niềm tin vào bản thân và tương lai, dẫn đến trầm cảm.

  1. Khi những nụ cười tắt lặng trên khuôn mặt trẻ.

Trong những năm gần đây, xã hội chứng kiến một thực trạng đau lòng là ngày càng nhiều thanh thiếu niên rơi vào trạng thái u uất, xa lánh bạn bè, thu mình trong phòng, hoặc thậm chí có hành vi tự hại, tự tử. Điều đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh chỉ nhận ra khi mọi việc đã quá muộn. Trầm cảm ở thanh thiếu niên – một vấn đề tâm lý nhức nhối nhưng thường bị hiểu sai là “tuổi mới lớn thất thường”, “trẻ con mà bày đặt”, hoặc “mềm yếu”… – đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Đây không phải là chuyện “buồn cho qua”, mà là một rối loạn tâm thần cần được nhận diện sớm, thăm khám kịp thời và đồng hành đúng cách.

II. Những dấu hiệu báo động, vai trò của gia đình và các phương pháp can thiệp, điều trị cần thiết.

  1. Dấu hiệu cảnh báo trầm cảm ở thanh thiếu niên.

Không giống như người lớn, trầm cảm ở thanh thiếu niên thường được biểu hiện một cách “im lặng” hoặc ngụy trang dưới những hành vi tưởng như bình thường của tuổi mới lớn. Nhiều em không thể diễn đạt nỗi đau bằng lời, mà thể hiện qua những thay đổi trong cảm xúc, hành vi và thể chất mà chỉ những người có quan sát tinh tế hoặc nhà chuyên môn mới thấy, cảm nhận được. Gia đình cần quan sát kỹ lưỡng những dấu hiệu sau đây – vốn có thể bị bỏ qua hoặc hiểu nhầm nếu không đủ tinh tế.

Các dấu hiệu trầm cảm ở tuổi vị thành niên.

Về cảm xúc:

Một trong những biểu hiện thường thấy là sự thay đổi rõ rệt trong tâm trạng và cảm xúc. Thay vì vui vẻ, hào hứng như trước, trẻ có thể trở nên buồn bã kéo dài, thường xuyên thở dài, ngồi lặng im trong góc phòng, hoặc có ánh mắt trống rỗng. Tuy nhiên, có những em lại tỏ ra cáu kỉnh, dễ nổi nóng, phản ứng thái quá với những vấn đề nhỏ – điều này thường khiến cha mẹ hiểu nhầm là “nổi loạn tuổi teen” mà không nhận ra đây có thể là biểu hiện tiềm ẩm của trầm cảm.

Về hứng thú, sở thích, giao tiếp:

Trẻ trầm cảm cũng mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích, chẳng hạn như chơi thể thao, vẽ tranh, nghe nhạc hay trò chuyện với bạn bè. Thay vì ra ngoài cùng bạn, các em chọn ở lì trong phòng, khóa trái cửa và không muốn ai làm phiền. Có những em thậm chí tránh giao tiếp hoàn toàn, kể cả với người thân trong gia đình.

Về thể chất, giấc ngủ, ăn uống:

Về mặt thể chất, các biểu hiện cũng khá rõ ràng nếu để ý. Trẻ có thể mất ngủ kéo dài, trằn trọc nhiều đêm liên tục, hoặc ngược lại là ngủ li bì nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi. Một số em ăn ít, bỏ ăn, ăn uống thất thường đến mức sụt cân, trong khi có em lại ăn vô độ để tìm cảm giác thoải mái. Dù là kiểu nào, kết quả chung là thể trạng suy giảm, da dẻ nhợt nhạt, ánh mắt lờ đờ, thiếu sức sống.

Về khả năng tập trung chú ý, học tập:

Trầm cảm cũng ảnh hưởng nặng nề đến việc học tập. Trẻ giảm khả năng tập trung, dễ bị sao nhãng, dẫn đến kết quả học tập, điểm số sa sút đáng kể. Có em trước kia học giỏi, năng động, nhưng giờ có tình trạng không làm bài tập, bỏ học, không muốn đến trường – điều này đôi khi bị quy chụp là “lười” hoặc “thiếu trách nhiệm”, trong khi thật ra đó là một hệ quả tự nhiên của trầm cảm.

Mặt khác, một trong những dấu hiệu nguy hiểm nhất mà gia đình cần đặc biệt quan tâm là khi trẻ có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, hay nói những câu như: “Con vô dụng lắm”, “Chẳng ai cần con hết”, “Giá như con không tồn tại…” hoặc thậm chí là “Chết đi cho nhẹ lòng”... Đây tưởng như chỉ là những lời nói vu vơ, nhưng những biểu hiện này không bao giờ nên xem nhẹ, bởi đó có thể là lời báo hiệu cho hành vi tự hại hoặc tự tử trong tương lai gần.

Có em thì biểu hiện rất kín đáo, luôn tỏ ra ổn, vẫn cười, vẫn đi học, vẫn làm bài, nhưng chỉ khi về đến phòng riêng mới bộc lộ sự kiệt quệ và rối loạn nội tâm. Những biểu hiện này dễ bị bỏ qua nhất nhưng lại là nguy cơ cao nhất vì thường giấu kín cảm xúc.

Nếu phụ huynh thấy con mình có những thay đổi kéo dài trên hai tuần về tâm trạng, hành vi, thể chất hoặc suy nghĩ tiêu cực về bản thân, thì đó là lúc không nên chờ đợi thêm nữa. Trầm cảm không phải là “tính cách”, mà là một căn bệnh cần được nhìn nhận và tuân thủ điều trị.

  1. Gia đình – “liều thuốc” tinh thần chống lại trầm cảm:

Không ai có thể thay thế vai trò của gia đình trong việc nhận diện sớm, ngăn ngừa, và đồng hành trong quá trình phục hồi của trẻ mắc trầm cảm. Muốn làm được việc này, các thành viên trong gia đình cần phải:

-Thay đổi cách tiếp cận: Không phán xét, không kiểm soát.

Theo Dr. Harold Koplewicz – Chủ tịch Viện Tâm thần Trẻ em (Child Mind Institute, Mỹ) “Khi một đứa trẻ bị đau bụng, chúng ta đưa nó đến bác sĩ. Nhưng khi một đứa trẻ đau khổ về tinh thần, chúng ta thường bảo nó cố gắng lên. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.”
(Nguồn: Child Mind Institute Annual Conference, 2019).

Khi con có dấu hiệu trầm cảm, điều đầu tiên gia đình cần làm là thay đổi thái độ tiếp cận. Thay vì trách móc kiểu “Sao con cứ buồn mãi?”, “Mạnh mẽ lên đi!”, hãy bắt đầu bằng sự lắng nghe mà không phán xét. Trẻ cần cảm thấy rằng mình không bị chỉ trích hay ép buộc phải “ổn” ngay lập tức. Sự chấp nhận và bình tĩnh của cha mẹ có thể tạo nên một vùng an toàn đầu tiên để con dám mở lòng.

-Tạo không gian giao tiếp an toàn.

Theo Dr. Nadine Burke Harris – Cựu Tổng Y sĩ bang California (Mỹ): “Trầm cảm ở tuổi vị thành niên không phải là điểm yếu của cá nhân, mà là hậu quả của những áp lực chưa được thấu hiểu và chữa lành.”
(Nguồn: TED Talk: How childhood trauma affects health across a lifetime)

Thanh thiếu niên trầm cảm thường thu mình, vì vậy việc mở ra một không gian trò chuyện nhẹ nhàng, không áp lực là vô cùng quan trọng. Gia đình có thể bắt đầu bằng những cuộc trò chuyện giản dị, không tập trung vào vấn đề của con mà vào cảm xúc: “Hôm nay con cảm thấy thế nào?”, “Có gì khiến con thấy nặng nề không?”. Chìa khoá ở đây là lắng nghe hơn là khuyên nhủ. Đôi khi, một cái ôm hoặc chỉ là sự hiện diện của người thân một cách thầm lặng cũng giúp trẻ cảm thấy được kết nối và an toàn.

-Duy trì nền nếp sinh hoạt ổn định.

Một yếu tố quan trọng nhưng thường bị bỏ qua là việc giữ cho trẻ có một nếp sinh hoạt đều đặn. Trầm cảm dễ khiến trẻ rơi vào vòng xoáy ngủ ngày – thức đêm, bỏ bữa, không vận động, và điều đó càng khiến tình trạng tồi tệ hơn. Gia đình nên hỗ trợ con ăn uống đúng giờ, vận động vừa sức, ngủ đủ giấc, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử… Một lịch sinh hoạt lành mạnh chính là nền tảng để phục hồi tinh thần.

– Chủ động tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn, y tế.

Gia đình không nên chờ đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng mới tìm sự trợ giúp hoặc thăm khám chuyên khoa. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu kéo dài hoặc gia tăng về mức độ buồn bã, mệt mỏi, thu mình hoặc có dấu hiệu tự làm hại bản thân, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần trẻ em. Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trẻ và gia đình sẽ được đánh giá tâm lý – tâm thần kỹ lưỡng, được hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ, theo dõi tiến triển và tham vấn tâm lý phù hợp. Đây là bước đi đúng đắn và cần thiết để con được bảo vệ kịp thời, tránh rơi vào tình trạng nặng hơn.

  1. Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1 – địa chỉ uy tín về chẩn đoán, điều trị, can thiệp trị liệu tâm lý cho người bệnh trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên.

– Vai trò đầu ngành trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 là bệnh viện chuyên sâu giữ vai trò đầu ngành trong chẩn đoán, điều trị nghiên cứu và can thiệp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm ở thanh thiếu niên. Với đội ngũ nhân viên y tế có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm lâm sàng, Bệnh viện không chỉ tiếp nhận các ca bệnh nặng mà còn có chức năng đào tạo và chuyển giao chuyên môn cho các cơ sở y tế tuyến Tỉnh. Không chỉ với vai trò như cái nôi của lĩnh vực chuyên khoa tâm thần nói chung mà điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em – thanh thiếu niên cũng có một bề dầy kinh nghiệm và là địa chỉ tin cậy cho hàng nghìn gia đình trên khắp cả nước.

– Quy trình khám – đánh giá – điều trị bài bản.

Quy trình khám và đánh giá trầm cảm ở thanh thiếu niên được thực hiện một cách chuyên sâu và toàn diện. Sau khi tiếp nhận, người bệnh sẽ được bác sỹ thăm khám và chỉ định các đánh giá cận lâm sàng. Với những trường hợp người bệnh cần hỗ trợ về tâm lý sẽ được chuyển cho chuyên viên tâm lý lâm sàng tiến hành đánh giá chuyên sâu và có định hướng can thiệp, điều trị kết hợp với hóa dược. Các công cụ được chỉ định để đánh giá hỗ trợ cho chẩn đoán của bác sỹ bao gồm:

Thang đánh giá lo âu – trầm cảm DASS – 42 (Depression Anxiety Stress Scale): Đây là công cụ đánh giá dành cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, giúp đánh giá các triệu chứng lo âu, trầm cảm và tình trạng căng thẳng stress.

Thang đánh giá hành vi CBCL (Child Behavior Checklist): Được cha mẹ hoặc người giám hộ hoàn thành, công cụ này giúp đánh giá các hành vi bất thường của trẻ và phát hiện các vấn đề như lo âu xã hội, rối loạn hành vi hoặc trầm cảm.

Thang đánh giá Beck (Beck Depression Inventory – BDI): Đây là một thang đo thông dụng để đo lường các biểu hiện và mức độ trầm cảm ở trẻ từ tuổi thiếu niên trở lên. BDI giúp đánh giá các triệu chứng trầm cảm từ nhẹ đến nặng, bao gồm cảm giác buồn bã, tự ti, vô dụng, cảm giác tội lỗi, suy nghĩ tiêu cực đến những thay đổi về giấc ngủ, nhu cầu ăn uống, khả năng lao động, làm việc và sở thích, hứng thú bản thân.

Trắc nghiệm tính cách – khí chất Eysenck: Được áp dụng trong một số trường hợp để đánh giá đặc điểm, kiểu loại nhân cách hướng nội hay hướng ngoại, kiểu hình thần kinh ổn định hay không ổn định… Việc sử dụng thang đo giúp các nhà chuyên môn hiểu rõ hơn căn nguyên về cách trẻ phản ứng với căng thẳng và cảm xúc tiêu cực để từ đó có phương pháp hỗ trợ phù hợp nhất.

Sau khi hoàn thành các công cụ đánh giá, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa, bao gồm liệu pháp tâm lý, điều trị thuốc nếu cần thiết, và tư vấn gia đình trong việc đồng hành cùng người bệnh. Quy trình này giúp người bệnh sẽ được nhận sự chăm sóc chuyên nghiệp nhất, phù hợp nhất với tình trạng và đặc điểm mỗi bệnh nhân.

  • Hướng điều trị và hỗ trợ tập trung vào y khoa.

Bệnh viện tập trung điều trị theo hướng y khoa chuyên sâu, kết hợp giữa sử dụng thuốc (nếu cần) và các biện pháp hỗ trợ tâm lý. Đối với trẻ trầm cảm, việc can thiệp bằng thuốc được đánh giá thận trọng, đúng chỉ định và theo dõi sát sao bởi các bác sĩ chuyên ngành. Ngoài ra, gia đình cũng được tư vấn về cách đồng hành cùng con, nhận diện dấu hiệu chuyển biến, và cách xử trí khi trẻ có biểu hiện nguy cơ.

  1. Hỗ trợ từ xa và chuyển tuyến.

Hiểu được khó khăn trong việc di chuyển và tiếp cận dịch vụ của nhiều gia đình ở xa, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 hiện có cơ chế hướng dẫn hỗ trợ từ xa thông qua tư vấn điện thoại, hỗ trợ theo hồ sơ và giấy giới thiệu từ tuyến dưới. Trong nhiều trường hợp, trẻ được khám ban đầu tại cơ sở y tế địa phương và khi cần thiết sẽ được chuyển tuyến lên bệnh viện theo đúng chỉ định chuyên môn, đảm bảo đúng quy trình trong điều trị. Ngoài ra, bệnh viện cũng thường xuyên phối hợp đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh/thành phố, giúp nâng cao năng lực điều trị chuyên khoa tâm thần cho toàn hệ thống y tế, đặc biệt trong lĩnh vực tâm lý – tâm thần trẻ em.

III. Thay lời kết:

 Hành trình vượt qua trầm cảm cần sự phối hợp, chung tay của một tập thể.

Một em bé có thể lớn lên nhờ tình yêu thương từ cả một ngôi làng. Một thanh thiếu niên vượt qua trầm cảm cũng cần sự chung tay từ gia đình, thầy cô, bạn bè và đội ngũ y tế chuyên nghiệp.

Nếu bạn là cha mẹ, đừng chờ đến khi con rơi vào tình trạng kiệt quệ mới vội vã tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy luôn hiện diện bên con ngay từ những thay đổi nhỏ nhất trong cảm xúc và hành vi, để mỗi bước đi của con luôn có sự đồng hành, không bao giờ phải cô đơn. Hãy nhớ rằng: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần không phải là chỉ để chữa trị, mà là gìn giữ sự tươi trẻ và hạnh phúc của tuổi trẻ.”

    Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Thu Lan, & Đoàn Hữu Thành. (2020). Tâm lý học lâm sàng: Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên Nhà xuất bản Y học.
  2. Bộ Y tế Việt Nam. (2021). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần ở trẻ em
  3. Nguyễn Hữu Đức, & Nguyễn Thị Minh Tâm. (2019). Trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác ở thanh thiếu niên – Nhà xuất bản Giáo dục.
  4. Nguyễn Tấn Quý. (2020). Giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên qua liệu pháp tâm lý – Nhà xuất bản Y học.
  5. https://benhviennhitrunguong.gov.vn/tram-cam-o-tre-vi-thanh-nien-nhung-dieu-cha-me-can-biet-de-bao-ve-con.html

6. https://iacapap.org/Resources/Persistent/2cf0a10233bd080034bae06aea9519f6b5f940e2/E.1-Depression-Vietnamese-2020.1.pdf?utm.

Viết bài: CNTL. Lê Phúc Thắng, Khoa TLLS – Bệnh viện Tâm thần TW1.

Bài viết cùng chủ đề: