Hỗ trợ cho trẻ khuyết tật trí tuệ.

Khoa Tâm lý lâm sàng – Bệnh viện Tâm thần Trung ương I với chức năng ứng dụng các liệu pháp tâm lý, các test/ các thang đo tâm lý trong can thiệp, điều trị, đánh giá, khảo sát hiệu quả, hỗ trợ trong điều trị, chẩn đoán bệnh thuộc chuyên khoa tâm thần thì khoa còn là đơn vị lâm sàng có chức năng đánh giá, phục hồi chức năng cho người bệnh là trẻ em đến khám và điều trị ngoại trú ban ngày. Thực hiện công tác truyền thông và giáo dục sức khoẻ tâm thần trẻ em, về trẻ có rối loạn phát triển, tổ chức tư vấn tâm lý cho gia đình, tổ chức can thiệp tâm lý, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, khuyết tật trí tuệ, trẻ bại não, down,… Trong năm 2022 tổng số lượt bệnh nhân nhi điều trị ngoại trú là 2959 lượt, đến năm 2023 tăng lên 4270 lượt và thống kê sơ bộ năm 2024 là 4415 lượt can thiệp – trị liệu.

Bệnh nhân nhi đến với khoa Tâm lý lâm sàng sẽ được đánh giá, điều trị và can thiệp bằng các phương pháp: Can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, tâm vận động, chơi trị liệu, điều hoà cảm giác, âm ngữ trị liệu, nhận thức hành vi….Khoa Tâm lý lâm sàng đã và đang thực hiện can thiệp cho trẻ khuyết tật trí tuệ và đạt được những hiệu quả tích cực trong nhận thức cũng như cải thiện các kỹ năng còn thiếu hụt của trẻ.

Vậy khuyết tật trí tuệ là gì? Cách can thiệp, hỗ trợ với trẻ khuyết tật trí tuệ ra sao nhằm giảm thiểu những thiệt thòi cho trẻ và áp lực cho gia đình, cộng đồng?

Khái niệm khuyết tật trí tuệ theo DSM – V

Theo sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần DSM – V (APA,2013) thì khuyết tật trí tuệ là “một rối loạn diễn ra trong suốt quá trình phát triển, bao gồm sự thiếu hụt cả về trí tuệ và chức năng thích ứng về khái niệm, xã hội và các lĩnh vực thực hành”. Tiêu chuẩn chẩn đoán Khuyết tật trí tuệ bao gồm:

  1. Những suy giảm chức năng trí tuệ như lập luận, giải quyết vấn đề, lên kế hoạch, tư duy trừu tượng, đánh giá, học tập, học hỏi kinh nghiệm, được khẳng định bởi cả đánh giá lâm sàng và trắc nghiệm trí tuệ chuẩn.
  2. Suy giảm chức năng thích nghi dẫn đến không phát triển được đầy đủ tâm thần và xã hội để sống độc lập và thích nghi xã hội. Nếu không có sự hỗ trợ thường xuyên, kém thích ứng thể hiện trong một hoặc nhiều hoạt động thường ngày như giao tiếp, tham gia xã hội và sống phụ thuộc trong nhiều môi trường như ở nhà, trường học, công việc và giao tiếp.
  3. Khởi phát của suy giảm trí tuệ và thích ứng trong thời kì phát triển.

 Phân loại mức độ Khuyết tật trí tuệ

Gồm bốn mức độ, cụ thể:

  • Khuyết tật trí tuệ nhẹ: Chỉ số trí tuệ từ 50 – 69, xấp xỉ tới 70.

Ở nhóm này, trẻ không cần trợ giúp thường xuyên, trẻ có khả năng giao tiếp bằng lời, trẻ có thể đi học và có khả năng tự chăm sóc bản thân và làm các công việc đơn giản.

  • Khuyết tật trí tuệ mức trung bình: Chỉ số trí tuệ từ 36 – 49.

Trẻ cần trợ giúp thường xuyên ở các mức độ khác nhau, trẻ có khả năng giao tiếp bằng lời nhưng nghèo nàn không rõ nghĩa. Trẻ có thể đi học nhưng gặp nhiều khó khăn và trẻ vẫn có khả năng tự chăm sóc bản thân và làm những công việc đơn giản nếu trẻ được học tập, đào tạo từ nhỏ.

  • Khuyết tật trí tuệ nặng: Chỉ số trí tuệ từ 20 – 35.

Trẻ cần có sự trợ giúp tích cực thường xuyên, trẻ không có khả năng giao tiếp bằng lời, không có khả năng tự chăm sóc bản thân hay làm các công việc đơn giản và trẻ không thể đi học.

  • Khuyết tật trí tuệ rất nặng (Trầm trọng): Chỉ số trí tuệ dưới 20.

Trẻ cần sự trợ giúp tích cực, thường xuyên ở mức độ hỗ trợ cao nhất, trẻ không có khả năng giao tiếp bằng lời, không có khả năng chăm sóc bản thân hay làm những công việc đơn giản và trẻ cũng không thể đi học.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra khuyết tật trí tuệ. Có thể là do:

Yếu tố nguy cơ trước sinh: liên quan đến một hội chứng di truyền như Down hoặc hội chứng Fragile X, mẹ dùng chất kích thích, nhiễm trùng hoặc suy dinh dưỡng bào thai.

Yếu tố nguy cơ trong sinh: Sinh non, thiếu oxy, can thiệp sản khoa, chảy máu não – màng não.

Yếu tố nguy cơ sau sinh: Nhiễm khuẩn thần kinh, suy hô hấp nặng , chấn thương sọ não, tiếp xúc với chất độc hại, suy dinh dưỡng nặng.

Một số khó khăn của trẻ khuyết tật trí tuệ

– Trẻ gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc cho bản thân, với các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.

– Trẻ gặp khó khăn trong học tập, nhận thức. Tư duy logic, khả năng ghi nhớ, khả năng giải quyết vấn đề của trẻ kém. Khả năng tiếp thu về ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ không lời kém, khả năng tập trung chú ý của trẻ kém.

– Về tâm lý xã hội, trẻ có thể kém trong giao tiếp hay tạo lập và duy trì các mối quan hệ xã hội, kỹ năng kiểm soát hành vi kém. Trẻ có thể gặp các tình trạng kém tự tin vào bản thân, hay cảm thấy lo âu trước những bài tập trên trường,…

Hình ảnh về một buổi Trị liệu nhóm cho trẻ khuyết tật trí tuệ:

– Lựa chọn môi trường học tập phù hợp với mức độ khó khăn của trẻ sẽ giúp cho trẻ có sự thích nghi tốt hơn. Một số môi trường giáo dục cho trẻ khuyết tật trí tuệ như:

Trường chuyên biệt: giáo dục được tiến hành tách rời với những trẻ không bị khuyết tật.

Lớp hội nhập: nơi trẻ có một chương trình dạy riêng, chương trình học riêng, giáo viên riêng.

Giáo dục hoà nhập: trẻ khuyết tật trí tuệ hoà nhập vào lớp học phổ thông với các trẻ không khuyết tật.

Giáo dục cộng sinh: trẻ khuyết tật trí tuệ vừa tham gia các lớp học trường chuyên biệt vừa tham gia vào môi trường lớp học giáo dục phổ thông.

– Cần có sự cộng tác giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ. Thông qua việc công tác với nhà trường thì gia đình trẻ khuyết tật trí tuệ có thể thúc đẩy việc chuyển giao kiến thức học ở trường vào cuộc sống ở gia đình và ngoài xã hội. Ngoài ra việc công tác giúp cho nhà trường hiểu trẻ và có kế hoạch hỗ trợ phù hợp với mong muốn của gia đình cũng như tình trạng của trẻ.

Can thiệp giáo dục đặc biệt: Với các biện pháp vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, giáo dục mầm non, can thiệp hành vi nhận thức, chương trình can thiệp sớm Từng bước nhỏ, dạy các kỹ năng sống cho trẻ, các kỹ năng vận động tinh, kỹ năng chơi, các kỹ năng học tập, dạy các môn học đường chức năng,…

Sử dụng thuốc hỗ trợ: Không có loại thuốc cụ thể nào dành cho khuyết tật trí tuệ. Thuốc chỉ là một phần nhỏ trong việc hỗ trợ điều trị cho trẻ và tuỳ vào từng trường hợp, từng khó khăn của trẻ mà bác sĩ sẽ kê đơn thuộc phù hợp. Với trường hợp có các triệu chứng tăng động giảm chú ý thì sẽ cho thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, nếu trẻ có động kinh thì sẽ được kê thuốc chống co giật. Thuốc an thần kinh nếu trẻ có vấn đề về hành vi và cảm xúc.

Hỗ trợ về tâm lý: Gia đình cần đồng hành và chấp nhận trẻ. Ở trường học nhà trường cần có sự truyền thông cho các học sinh hiểu về tình trạng của trẻ khuyết tật trí tuệ để từ đó có sự cảm thông và giúp đỡ cho trẻ khuyết tật trí tuệ. Trong các trường hợp trẻ có xuất hiện những vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm,… thì trẻ cần được cán bộ tâm lý hỗ trợ.

– Một số phương pháp hỗ trợ cho trẻ khuyết tật trí tuệ tại khoa Tâm lý lâm sàng:

Vân động trị liệu.

Phát triển nhận thức.

Phát triển kĩ năng.

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Hoàng Minh. (Chủ biên). Tâm bệnh học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  2. Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ (2013). Sổ tay thống kê và chẩn đoán Rối loạn Tâm thần biên bản 5 (DSM – 5) – Rút gọn. Trần Tiến Giang và cộng sự dịch.
  3. Trần Thị Lệ Thu. Đại cương giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. https://cpfav.org.vn/ThuVien/PHCNDuaVaoCongDong/PHCN-tre-cham-phat-trien-tri-tue.pdf

Viết bài: Ths. Hoàng Diệu Linh, Khoa Tâm lý lâm sàng

Bài viết cùng chủ đề: