TÓM TẮT
Mục tiêu: Xác định mối liên quan giữa sự hài lòng của người bệnh về dịch vụ điều trị nội trú và thực trạng chăm sóc người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 65 người bệnh nội trú được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu. Dữ liệu được thu thập thông qua bảng hỏi cấu trúc và quan sát trực tiếp. Kết quả: Người bệnh chủ yếu là nam giới (100%); trình độ học vấn dưới THPT 50,8%. Nghề nghiệp chủ yếu lao động tự do 41,5%; sống ở nông thôn 67,7%; tuổi trung bình 51,7 ± 9,1 tuổi, sử dụng rượu >15 năm (36,9%); tiền sử tiêu thụ từ 500–1000 ml rượu/ngày 83,1%. Về chăm sóc, 100% điều dưỡng thực hiện theo dõi dấu hiệu sinh tồn và giám sát dùng thuốc; hướng dẫn người bệnh tự vệ sinh cho bản thân 75,4%; thường xuyên động viên tinh thần NB 47,7%; 32,3% thực hiện tư vấn chế độ ăn và 10,8% có hướng dẫn phục hồi chức năng; 80,0% ĐDV có theo dõi thường xuyên tình trạng đáp ứng thuốc; 80,0% nhân viên y tế truyền thông về tác hại của rượu. Tỷ lệ người bệnh hài lòng với dịch vụ nội trú là 72,3%. Có mối liên quan có ý nghĩa giữa một số yếu tố chăm sóc điều dưỡng và sự hài lòng: Người bệnh được điều dưỡng hỏi thăm thường xuyên (OR=5,4; 95%CI: 1,3–22,2; p=0,022). Người bệnh được hỗ trợ vệ sinh cá nhân (OR=3,6; 95%CI: 1,1–12,6; p=0,048). Kết luận: Sự hài lòng của người bệnh về dịch vụ điều trị nội trú có liên quan chặt chẽ đến chất lượng chăm sóc điều dưỡng. Ngoài các hoạt động chuyên môn cơ bản, cần tăng cường can thiệp tâm lý, hỗ trợ tinh thần, giáo dục sức khỏe và phục hồi chức năng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện cho người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu.
Từ khóa: Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, chăm sóc điều dưỡng, dịch vụ điều trị nội trú tâm thần, hài lòng người bệnh.
THE ASSOCIATION BETWEEN PATIENT SATISFACTION WITH INPATIENT PSYCHIATRIC SERVICES AND THE CURRENT STATE OF NURSING CARE FOR PATIENTS WITH MENTAL AND BEHAVIORAL DISORDERS DUE TO ALCOHOL USE
ABSTRACT
Objective: To determine the association between patient satisfaction with inpatient psychiatric services and the current state of nursing care for patients diagnosed with mental and behavioral disorders due to alcohol use at the National Psychiatric Hospital No. 1. Methods: A cross-sectional descriptive study was conducted on 65 inpatients diagnosed with alcohol-related mental and behavioral disorders. Data were collected using structured questionnaires and direct observation. Results: All participants were male (100%), with 49,8% having an education level below high school. Most were self-employed (41,5%) and resided in rural areas (67,7%). The mean age was 51,7 ± 9,1 years, and 36,9% had consumed alcohol for more than 15 years. A total of 83,1% reported consuming 500–1000 ml of alcohol daily prior to admission. Regarding nursing care: 100% of nurses regularly monitored vital signs and supervised medication use; 75,4% guided patients in performing personal hygiene; 47,7% frequently provided emotional support; 32,3% offered dietary counseling; 10,8% provided rehabilitation guidance; and 80% regularly monitored patients’ treatment response. Additionally, 80% of healthcare staff delivered health education on alcohol-related harm. Overall, 72,3% of patients were satisfied with inpatient services. Statistically significant associations were found between certain aspects of nursing care and patient satisfaction: patients who were regularly asked about their condition by nurses had higher satisfaction (OR = 5,4; 95% CI: 1,3–22,2; p = 0,022), as did those who received personal hygiene support (OR = 3,6; 95% CI: 1,1–12,6; p = 0,048). Conclusion: Patient satisfaction with inpatient psychiatric services is closely associated with the quality of nursing care. In addition to core clinical duties, it is essential to strengthen psychological support, mental health education, and rehabilitation care to improve the overall quality of care for patients with alcohol-related mental and behavioral disorders.
Keywords: Mental and behavioral disorders due to alcohol use, nursing care, psychiatric inpatient services, patient satisfaction.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới, mức tiêu thụ rượu trung bình toàn cầu trên thế giới là 6,1 lít/người/năm, đây là mức cực kỳ cao [1]. Khoảng 25,0% số ca tử vong do ngộ độc rượu hàng năm trên thế giới có liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn lậu; 25,0% đau tim do uống quá nhiều rượu; 50,0% do các bệnh khác và tai nạn do uống rượu [2]. Cũng theo WHO rượu là nguyên nhân gây ra hơn 200 loại bệnh và chấn thương khác nhau, trong đó có các rối loạn tâm thần như rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, hội chứng cai, hoang tưởng rượu và sa sút trí tuệ do rượu [3]. Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu là một trong những nhóm bệnh phổ biến và có tác động nặng nề đến người bệnh, gia đình và xã hội. Các nghiên cứu tại các quốc gia như Mỹ, Úc, Đức cho thấy tỷ lệ người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu nhập viện chiếm từ 15–30% tổng số người bệnh nội trú tâm thần [4], [5]. Phạm Văn Tình và cộng sự (2020) tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho thấy tỷ lệ người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu chiếm 22,8% trong tổng số ca nhập viện tâm thần [6]. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Lan và cộng sự (2021), phần lớn người bệnh là nam giới, độ tuổi 40–60, có tiền sử sử dụng rượu kéo dài trên 10 năm [7].
Trong công tác điều trị nội trú, chất lượng chăm sóc điều dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong việc hồi phục tâm thần, thể chất và phòng ngừa tái phát ở người bệnh. Sự hài lòng của người bệnh với dịch vụ điều trị nội trú không chỉ phản ánh kết quả điều trị mà còn là chỉ báo quan trọng về chất lượng chăm sóc y tế [8]. Tuy nhiên, tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, đặc biệt với nhóm bệnh do sử dụng rượu, việc nghiên cứu mối liên quan giữa thực trạng chăm sóc điều dưỡng và mức độ hài lòng của người bệnh còn hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định mối liên quan giữa sự hài lòng của người bệnh về dịch vụ điều trị nội trú và thực trạng chăm sóc của điều dưỡng viên tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần định hướng các giải pháp cải tiến chất lượng chăm sóc, tăng cường hỗ trợ tinh thần và nâng cao hiệu quả điều trị nội trú cho người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, thời gian, địa điểm nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: 65 người bệnh được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu theo ICD-10 điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từ tháng 11/2024 – 4/2025.
* Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu
+ Tất cả người bệnh được chẩn đoán rối loạn thần tâm thần và hành vi do sử dụng rượu theo ICD-10;
+ Người bệnh đồng ý tham gia nghiên cứu và có khả năng giao tiếp.
* Tiêu chuẩn loại trừ
+ Người bệnh chưa được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu theo ICD-10;
+ Người bệnh không đồng ý tham gia nghiên cứu.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
* Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, phỏng vấn tại thời điểm sau 2 – 3 tuần người bệnh vào viện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp từng người bệnh tại khoa phòng nơi người bệnh nằm điều trị.
* Cỡ mẫu trong nghiên cứu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu khi biết tỉ lệ trong quần thể:
n = | Z21-α/2 p (1-p) | = | 1,96 *0,85(1-0,85 | ≈ 55,5 |
d2 | (0.1)2 |
Làm tròn lên: n = 56.
Để dự phòng sai số, mẫu tăng thêm khoảng 15%:
56+56×0,15=64,4⇒n=64,4⇒n=65. Mẫu tối thiểu cần thu thập là 65 người bệnh.
Trong đó:
n: cỡ mẫu nghiên cứu.
Theo nghiên cứu của Phạm Văn Tình và cộng sự (2020) tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 [6], tỷ lệ điều dưỡng theo dõi sát tình trạng người bệnh loạn thần do rượu là 82,5%. Chọn 𝑝=0,825.
α= 0,05 là mức ý nghĩa thống kê.
Z2(1-α/2) = 1,96 là giá trị thu được từ bảng Z ứng với giá trị α= 0,05.
d là khoảng sai lệch mong muốn giữa tham số mẫu và tham số quần thể. Ở đây chọn d=0,1.
* Cách lấy mẫu: thuận tiện đến khi đủ số lượng tối thiểu. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thu được tổng số 65 phiếu thỏa mãn.
2.3. Bộ công cụ và biến số nghiên cứu
* Bộ công cụ
– Bệnh án nghiên cứu của người bệnh;
– Phiếu thu thập thông tin người bệnh gồm 2 phần:
+ Phần 1: Thông tin cơ bản của đối tượng nghiên cứu
+ Phần 2: Thực trạng chăm sóc người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu của điều dưỡng, gồm 15 câu hỏi liên quan đến các nội dung điều dưỡng thực hiện chăm sóc người bệnh.
* Các biến số nghiên cứu
Biến định lượng: tuổi, thời gian sử dụng rượu, lượng rượu uống mỗi ngày, thời gian điều trị. Biến định tính: giới tính, các nội dung chăm sóc (được thực hiện/không), mức độ hài lòng (hài lòng/chưa hài lòng).
Biến phụ thuộc: Thực trạng chăm sóc người bệnh rối loạn tâm thần do rượu. Mức độ hài lòng của người bệnh với dịch vụ điều trị nội trú, công tác chăm sóc.
Biến độc lập: Tuổi, giới, thời gian sử dụng rượu, mức độ bệnh, nội dung chăm sóc cụ thể, hoạt động của điều dưỡng.
2.4. Phương pháp phân tích, xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm SPSS 22.0. Phân tích thống kê mô tả: tính tần số, tỷ lệ phần trăm (%), trung bình ± độ lệch chuẩn (SD) cho các biến định lượng và định tính. Tính OR, 95%CI.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Thông tin đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Bảng 1. Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm | n=65 | Tỷ lệ % | |
Giới tính | Nam | 65 | 100 |
Trình độ học vấn | Dưới THPT | 33 | 50,8 |
THPT | 26 | 40,0 | |
Đại học/cao đẳng | 3 | 4,6 | |
Sau đại học | 3 | 4,6 | |
Nghề nghiệp | Nông dân | 16 | 24,6 |
Công nhân | 3 | 4,6 | |
Lao động tự do | 27 | 41,5 | |
Cán bộ viên chức | 6 | 9,2 | |
Nội trợ/ ở nhà/thất nghiệp | 10 | 15,4 | |
Mất sức lao động/ Nghỉ hưu | 3 | 4,6 | |
Tuổi người bệnh
TB: 51,7±9,1 Min: 33 Max: 63 |
33 – 40 tuổi | 8 | 12,3 |
41 – 50 tuổi | 20 | 30,8 | |
51 – 60 tuổi | 25 | 38,5 | |
> 60 tuổi | 12 | 18,5 | |
Tình trạng hôn nhân | Chưa kết hôn | 6 | 9,2 |
Đã kết hôn | 54 | 83,1 | |
Ly dị/Ly thân | 5 | 7,7 | |
Người sống cùng | Ở một mình | 2 | 3,1 |
Sống cùng gia đình (bố mẹ/vợ con/bạn tình) | 63 | 96,9 | |
Thời gian mắc bệnh
TB: 2,3 ± 3,2 Min: 1 Max: 12 |
≤ 5 năm | 45 | 69,2 |
6 – 10 năm | 8 | 12,3 | |
> 10 năm | 12 | 18,5 | |
Thời gian người bệnh uống rượu | Dưới 5 năm | 5 | 7,7 |
Từ 5 – 10 năm | 23 | 35,4 | |
Từ 10 – 15 năm | 13 | 20,0 | |
Trên 15 năm | 24 | 36,9 | |
Lượng rượu uống | < 500ml/ngày | 9 | 13,8 |
500 – ≤1000ml/ngày | 54 | 83,1 | |
> 1000ml/ngày | 2 | 3,1 |
Nhận xét:
Người bệnh chủ yếu là nam giới (100%); trình độ học vấn dưới THPT 50,8%. Nghề nghiệp chủ yếu lao động tự do (41,5%); sống ở nông thôn (67,7%); tuổi trung bình 51,7 ± 9,1 tuổi, đã kết hôn (83,1%); đa số sống cùng người thân (96,9%); thời gian mắc bệnh trung bình 2,3 ± 3,2 năm; sử dụng rượu >15 năm (36,9%); tiền sử tiêu thụ từ 500–1000 ml rượu/ngày (83,1%).
3.2. Thực trạng công tác chăm sóc của điều dưỡng đối với người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu
Bảng 2. Thực trạng công tác chăm sóc của điều dưỡng đối với người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu
TT | Chăm sóc điều dưỡng | n | % | |
1 | Điều dưỡng viên đo mạch, huyết áp, cân nặng cho NB và giám sát sử dụng thuốc | Có | 65 | 100 |
2 | ĐDV thường xuyên đến hỏi về tình trạng bệnh của NB | Theo dõi thường xuyên | 55 | 84,6 |
Theo dõi nhưng không thường xuyên | 10 | 15,4 | ||
3 | ĐDV hướng dẫn chăm sóc vệ sinh cá nhân cho NB | Có | 49 | 75,4 |
Không | 16 | 24,6 | ||
4 | ĐDV hỗ trợ chăm sóc vệ sinh cá nhân cho NB | Hỗ trợ NB vệ sinh cá nhân | 51 | 78,5 |
Hướng dẫn NB tự vệ sinh | 14 | 21,5 | ||
5 |
ĐDV thường xuyên động viên tinh thần NB | Có động viên tinh thần NB | 31 | 47,7 |
Không động viên tinh thần NB | 34 | 52,3 | ||
6 | ĐDV tư vấn về chế độ ăn cho NB | Có | 21 | 32,3 |
Không | 44 | 67,7 | ||
7 | ĐDV trực tiếp hướng dẫn chăm sóc PHCN cho NB | Có | 7 | 10,8 |
Không | 58 | 89,2 | ||
8 | Việc nắm bắt thông tin truyền thông của NB và người nhà về tác hại của rượu | Truyền miệng | 8 | 12,3 |
Truyền hình, đài phát thanh | 1 | 1,5 | ||
Tờ rơi | 4 | 6,2 | ||
Nhân viên y tế | 52 | 80,0 |
Nhận xét:
Tất cả điều dưỡng đều theo dõi dấu hiệu sinh tồn và giám sát dùng thuốc. Các hoạt động khác gồm: Hỏi thăm bệnh (84,6%); Hướng dẫn vệ sinh cá nhân (75,4%); Động viên tinh thần (47,7%); Tư vấn chế độ ăn (32,3%); Hướng dẫn phục hồi chức năng (10,8%); Truyền thông về tác hại rượu cho người bệnh/người nhà (80%).
3.3. Mức độ hài lòng của người bệnh với điều dưỡng viên, dịch vụ điều trị nội trú tại bệnh viện
Bảng 3. Mức độ hài lòng của người bệnh với điều dưỡng viên, dịch vụ điều trị nội trú tại bệnh viện
TT | Chăm sóc điều dưỡng | n | % | |
1 | Bác/người nhà bác có thấy hài lòng với việc CS của ĐDV tại khoa đang điều trị không? | Chưa hài lòng | 25 | 38,5 |
Hài lòng | 40 | 61,5 | ||
2 |
Bác/người nhà bác có thấy hài lòng với các dịch vụ điều trị nội trú tại bệnh viện không? | Hài lòng | 47 | 72,3 |
Chưa hài lòng | 18 | 27,7 |
Nhận xét:
Người bệnh hài lòng với chăm sóc điều dưỡng (61,5%); Hài lòng với điều trị nội trú (72,3%).
3.4. Mối liên quan giữa sự hài lòng về dịch vụ điều trị nội trú với thực trạng công tác chăm sóc người bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu
Bảng 4. Mối liên quan giữa sự hài lòng về dịch vụ điều trị nội trú với thực trạng công tác chăm sóc người bệnh RLTT&HV do sử dụng rượu
TT | Chăm sóc điều dưỡng | Hài lòng
n (%) |
Chưa hài lòng
n (%) |
OR, 95%CI
p |
|
1 | ĐDV hỏi về tình trạng bệnh của NB | Thường xuyên | 43(66,2) | 12 (18,5) | 5,4
1,3 – 22,2 p=0,022 |
Không thường xuyên | 4(6,2) | 6(9,2) | |||
2 | ĐDV hỗ trợ chăm sóc vệ sinh cá nhân cho NB | Hỗ trợ | 40(61,5) | 11(16,9) | 3,6
1,1 – 12,6 p=0,048 |
Hướng dẫn | 7(10,8) | 7(10,8) | |||
3 |
ĐDV thường xuyên động viên tinh thần NB | Có | 24(36,9) | 7 (10,8) | 1,6
0,5 – 5 p=0,42 |
Không | 23(35,4) | 11(16,9) | |||
4 |
ĐDV theo dõi tình trạng đáp ứng thuốc của NB | Thường xuyên | 40(61,5) | 12(18,5) | 2,9
0,8 – 10,1 p=0,162 |
Không thường xuyên | 7(10,8) | 6(9,2) | |||
5 | Tư vấn về tác hại của việc uống nhiều rượu | Có | 23(35,4) | 7(10,8) | 1,5
0,5 – 4,6 p=0,582 |
Không | 24(36,9) | 11(16,9) | |||
6 | Tư vấn và giáo dục sức khỏe về bệnh | Có | 23(35,4) | 7(10,8) | 1,5
0,5 – 4,6 p=0,582 |
Không | 24(36,9) | 11(16,9) |
Nhận xét:
Người bệnh được điều dưỡng viên thường xuyên hỏi thăm về tình trạng bệnh của mình có mức độ hài lòng về dịch vụ chăm sóc gấp 5,4 lần so với người không được hỏi thường xuyên với OR=5,4, 95%CI: 1,3 – 22,2, p=0,022.
Người bệnh được điều dưỡng viên hỗ trợ chăm sóc vệ sinh cá nhân có mức độ hài lòng về dịch vụ chăm sóc gấp 3,6 so với người bệnh chỉ được hướng dẫn vệ sinh cá nhân, với OR=3,6,95%CI: 1,1 – 12,6, p=0,048.
IV. BÀN LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hài lòng của người bệnh rối loạn tâm thần do rượu có liên quan rõ rệt đến chất lượng chăm sóc điều dưỡng, đặc biệt ở các khía cạnh giao tiếp, hỗ trợ vệ sinh và tư vấn điều trị. Đây là những hoạt động thường bị xem nhẹ trong môi trường điều trị nội trú tâm thần, nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với cảm nhận của người bệnh.
Việc 100% người bệnh là nam giới, tuổi trung niên, lao động tự do, sống tại nông thôn và sử dụng rượu trên 10 năm phù hợp với đặc điểm dịch tễ học đã được công bố bởi WHO (2018) [3], Rehm et al. (2009) [4], Schuckit (2014) [5], Nguyễn Thị Lan (2021) [7].
Tỷ lệ hài lòng về dịch vụ nội trú (72,3%) tuy ở mức khá nhưng vẫn thấp hơn một số nghiên cứu tại Việt Nam. Ví dụ, nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Vân (2019) [8] tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ghi nhận tỷ lệ hài lòng chung lên tới 84,2%. Sự khác biệt này có thể do sự khác nhau về điều kiện cơ sở vật chất, mô hình chăm sóc và tần suất tương tác của nhân viên y tế với người bệnh.
Đặc biệt, kết quả cho thấy người bệnh được điều dưỡng hỏi thăm thường xuyên có mức độ hài lòng cao gấp 5,4 lần. Điều này trùng khớp với kết luận của Phạm Thị Minh Hằng (2020) [9], cho rằng sự giao tiếp tích cực giữa điều dưỡng và người bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự hài lòng.
Tỷ lệ điều dưỡng thực hiện tư vấn chế độ ăn và hướng dẫn phục hồi chức năng còn thấp (32,3% và 10,8%) cho thấy hạn chế trong chăm sóc toàn diện. Các hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn thông qua đào tạo, phân công công việc rõ ràng và xây dựng quy trình chăm sóc lồng ghép tư vấn – phục hồi chức năng ngay từ khi nhập viện.
V. KẾT LUẬN
Người bệnh chủ yếu là nam giới (100%); trình độ học vấn dưới THPT 50,8%. Nghề nghiệp chủ yếu lao động tự do 41,5%; sống ở nông thôn 67,7%; tuổi trung bình 51,7 ± 9,1 tuổi, sử dụng rượu >15 năm (36,9%); tiền sử tiêu thụ từ 500–1000 ml rượu/ngày 83,1%. Về chăm sóc, 100% điều dưỡng thực hiện theo dõi dấu hiệu sinh tồn và giám sát dùng thuốc; hướng dẫn người bệnh tự vệ sinh cho bản thân 75,4%; thường xuyên động viên tinh thần NB 47,7%; 32,3% thực hiện tư vấn chế độ ăn và 10,8% có hướng dẫn phục hồi chức năng; 80,0% ĐDV có theo dõi thường xuyên tình trạng đáp ứng thuốc; 80,0% nhân viên y tế truyền thông về tác hại của rượu. Tỷ lệ người bệnh hài lòng với dịch vụ nội trú là 72,3%. Có mối liên quan có ý nghĩa giữa một số yếu tố chăm sóc điều dưỡng và sự hài lòng: Người bệnh được điều dưỡng hỏi thăm thường xuyên (OR=5,4; 95%CI: 1,3–22,2; p=0,022). Người bệnh được hỗ trợ vệ sinh cá nhân (OR=3,6; 95%CI: 1,1–12,6; p=0,048).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- World Health Organization, Alcohol Policy in the WHO South-East Asia Region: A Report. 2017.
- Mykhailo ZHYLIN, et al., Mental and behavioural disorders as a result of using alcohol and psychoactive substances. Revista de Cercetare si Interventie Sociala, 2023. 81: p. 117-128.
- World Health Organization. (2018). Global status report on alcohol and health 2018. Geneva: WHO Press.
- Rehm, J., et al. (2009). Global burden of disease and injury and economic cost attributable to alcohol use and alcohol-use disorders. The Lancet, 373(9682), 2223–2233.
- Schuckit, M. A. (2014). Recognition and management of withdrawal delirium (delirium tremens). New England Journal of Medicine, 371(22), 2109–2113.
- Phạm Văn Tình, Nguyễn Thị Hường, & cộng sự (2020). Tỷ lệ rối loạn tâm thần do rượu tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Y học, 127(6), 88–93.
- Nguyễn Thị Lan, Lê Đức Hạnh, & cộng sự (2021). Nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến tái nhập viện ở bệnh nhân rối loạn sử dụng rượu. Tạp chí Y học thực hành, 112(3), 58–62.
- Nguyễn Thị Hồng Vân (2019). Vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân rối loạn loạn thần do rượu. Tạp chí Điều dưỡng, 6(1), 23–28.
- Nguyễn Văn Tuấn, & cộng sự. (2021). Khó khăn trong chăm sóc người bệnh loạn thần do rượu. Tạp chí Y học Việt Nam, 498(2), 45–49.
- Phạm Thị Minh Hằng (2020). Mối liên quan giữa giao tiếp điều dưỡng và mức độ hài lòng của người bệnh tại bệnh viện tâm thần. Tạp chí Khoa học Điều dưỡng, 9(3), 44–51.
Viết bài: Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Tuyền
Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Mời báo giá: Cung cấp vật tư cát lọc thạch anh D1-2mm khu sản xuất nước sạch.
- Mời các đơn vị tham gia tư vấn tổ chức lựa chọn nhà thầu 03 gói thầu: Mua sắm thuốc năm 2025.
- Tiếp đoàn kiểm tra về quan trắc môi trường y tế.
- Câu lạc bộ Thiện nguyện Hỷ Lạc Tâm và Đoàn Thiện Tâm FB Tịnh Hồng đem đến Tết thiếu nhi vui tươi cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
- Mời báo giá: Linh kiện thay thế máy lọc nước RO của Bệnh viện.