- Đặt vấn đề:
Thuật ngữ “Trắc nghiệm” được dịch từ thuật ngữ “test” – tiếng Hy Lạp, có nghĩa là phép đo, phép thử, sự lượng giá. Hiện nay trong các tài liệu ở nước ta hai thuật ngữ “trắc nghiệm tâm lý” và “test tâm lý” được dùng với nghĩa tương đương nhau.
“Trắc nghiệm tâm lý” là phương pháp thu thập các thông tin về những khía cạnh khác nhau của trạng thái tâm lý con người bằng các công cụ đã được chuẩn hóa về mặt kỹ thuật, được quy định về nội dung và quy trình thực hiện.
Trong chuyên khoa tâm thần, việc thực hiện các trắc nghiệm tâm lý đóng vai trò như một thăm khám cận lâm sàng, thường được chỉ định trước – trong và sau quá trình điều trị. Kết quả của các trắc nghiệm tâm lý giúp bác sĩ tâm thần có thêm thông tin tham khảo, hỗ trợ cho chẩn đoán, sàng lọc các vấn đề của người bệnh, từ đó xác định phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Thực hiện các trắc nghiệm tâm lý tại khoa TLLS – Bvtttw1.
- Phân nhóm các trắc nghiệm tâm lý cơ bản
Nhóm các trắc nghiệm sử dụng trong đánh giá, đo đạc được phân loại theo độ tuổi, mục đích đánh giá và đối tượng được chỉ định/áp dụng. Trong thực tiễn lâm sàng thường được chia thành 2 nhóm, đó là người trưởng thành và trẻ em – thanh thiếu niên.
Với người trưởng thành có các trắc nghiệm đánh giá về các lĩnh vực như:
– Nhóm trắc nghiệm đánh giá cảm xúc bao gồm thang đánh giá trầm cảm Beck (BDI), thang đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS-21), thang đánh giá lo âu Zung (SAS), thang đánh giá hưng cảm Young (YMRS), thang Đánh giá trầm cảm thanh thiếu niên (RADS), thang sàng lọc trầm cảm PHQ-9, thang đánh giá lo âu Hamilton (HAM-A), thang đánh giá trầm cảm Hamilton (HAM-D),…
– Nhóm trắc nghiệm đánh giá nhân cách bao gồm thang đánh giá nhân cách đa pha Minnesota (MMPI), thang đánh giá nhân cách EYSENCK (EPI), trắc nghiệm Cattell, .
– Nhóm trắc nghiệm đánh giá chỉ số trí tuệ bao gồm trắc nghiệm RAVEN, trắc nghiệm WAIS, WISC…
– Nhóm các trắc nghiệm đánh giá trí nhớ, chú ý bao gồm thang trí nhớ Whechsler, bảng học thuộc 10 từ…
– Nhóm trắc nghiệm đánh giá hội chứng cai và mức độ lạm dụng chất gây nghiện bao gồm thang CIWA, AUDIT, HIMBACK…
– Nhóm các thang đánh giá chuyên biệt khác bao gồm thang Chỉ báo chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI), thang đánh giá trạng thái tâm thần rút gọn MMSE, thang trầm cảm người già, trầm cảm sau sinh…
Với người bệnh là trẻ em và thanh thiếu niên thì có các thang đo như:
– Nhóm các thang đánh giá trí tuệ bao gồm WISC – IV, Raven mầu.
– Nhóm các phương pháp sàng lọc và đánh giá mức độ tự kỷ như: MCHAT – 23, MCHART – R, GARS – 2, CARS…
– Nhóm các thang đánh giá sự phát triển, hành vi, vận động của trẻ bao gồm: Thang SDQ 25, ADHD, DENVER II…
Căn cứ vào kiểu loại và hình thức của các trắc nghiệm có:
-Các trắc nghiệm dành cho cá nhân và các trắc nghiệm dành cho nhóm
– Các test sử dụng ngôn ngữ và các test phi ngôn ngữ
– Các test viết và các test nói
– Các test cần đến các công cụ đặc biệt (ví dụ như các trắc nghiệm phóng chiếu: TAT, Rorschach…) hay các test chỉ dùng các phương tiện thông thường như giấy bút, đồng hồ …
– Về các hình thức trắc nghiệm: trước đây các trắc nghiệm cá nhân thường được thiết kế trên cơ sở những câu trả lời độc lập, tự do của đối tượng nghiên cứu. Câu trả lời càng đầy đủ, người làm trắc nghiệm càng dễ dàng đánh giá kết quả. Song hình thức này cũng đòi hỏi trắc nghiệm viên/nhân viên y tế phải thật sự có trình độ và kỹ năng phân tích kết quả.
- Quy trình thực hiện một trắc nghiệm:
Thông thường một trắc nghiệm tâm lý được thực hiện qua các bước:
Bước 1: Chuẩn bị.
Ở bước này yêu cầu nhân viên y tế phải giải quyết các nhiệm vụ sau:
– Xác định được mục đích làm trắc nghiệm. Việc xác định rõ mục đích sẽ quy định việc lựa chọn những trắc nghiệm định tiến hành (trong trường hợp chưa có sự chỉ định cụ thể) đồng thời cũng giúp người bệnh thấy được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện trắc nghiệm.
– Thu thập các thông tin cần thiết liên quan đến người bệnh. Đây là bước quan trọng đặt ra với người thực hiện trắc nghiệm về kỹ năng sử dụng cấu trúc các câu hỏi đóng hoặc câu hỏi mở tùy vào mục đích và nội dung thông tin cần khai thác mà không bị sa đà, dài dòng hoặc làm người bệnh cảm thấy như đang bị “hỏi cung” hoặc “lục vấn”.
– Chuẩn bị các phương pháp, công cụ cần thiết như: Các thang đo, giấy, bút, bộ công cụ…
– Chuẩn bị tâm lí cho người bệnh thông qua việc giải thích lý do và sự cần thiết của việc thực hiện các trắc nghiệm và cả sự tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ điều trị (nếu có).
-Thực hiện các trắc nghiệm theo dự kiến. Thông thường người bệnh được đề nghị thực hiện các trắc nghiệm đã dự kiến. Lời đề nghị của nhân viên y tế phải tự nhiên, đúng mực, không mang tính mệnh lệnh cũng không được mang tính năn nỉ.
Việc thực hiện các trắc nghiệm vừa phải đảm bảo theo đúng quy trình, vừa phải có được tính linh hoạt. Trong một buổi làm trắc nghiệm, tùy theo mục đích và tình trạng sức khỏe cũng như mức độ hợp tác của người bệnh mà có thể tiến hành một hoặc nhiều bài trắc nghiệm. Thường để làm tốt được các trắc nghiệm nhân viên y tế/người thực hiện trắc nghiệm phải có các kỹ năng như: Kỹ năng theo dõi thời gian, quan sát các phản ứng cảm xúc, hành vi của người bệnh và các kỹ năng giao tiếp khác như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phản hồi, kỹ năng thông cảm và kỹ năng sử dụng sự im lặng khi cần thiết…
Bước 3. Xử lý và phân tích kết quả.
– Phân tích thường bắt đầu từ việc xử lý các kết quả của từng trắc nghiệm.
– Bổ sung thêm nhận xét với các trường hợp cần thiết.
– Viết kết luận: Kết luận của các trắc nghiệm tâm lý có giá trị tham khảo ở tại thời điểm thực hiện, đánh giá. Nhân viên y tế có thể nhấn mạnh về kết quả hiện tại của trắc nghiệm với người bệnh và người nhà người bệnh, tránh tình trạng hiểu lầm, thắc mắc về kết quả thăm khám, đánh giá giữa các lần khám/ chữa bệnh khác.
Bước 4. Giai đoạn kết thúc.
Tùy theo mục đích của việc làm trắc nghiệm, gia đoạn kết thúc có thể diễn ra theo các cách khác nhau.
Trong trường hợp làm trắc nghiệm do yêu cầu công việc của chính nhà tâm lý (ví dụ như trong tư vấn, trị liệu hoặc trong nghiên cứu) thì nhà tâm lý nên kết thúc buổi làm trắc nghiệm dưới góc độ liệu pháp tâm lý.
Trường hợp trắc nghiệm tâm lý được tiến hành theo yêu cầu của một tổ chức (hội đồng giám định, hội đồng tuyển chọn, tòa án…) hoặc một ngươi có thẩm quyền (như bác sỹ, luật sư…). Khi đó kết quả của trắc nghiệm cần được trình bầy dưới dạng một văn bản, một bản kết luận có phân tích hoặc một kết luận ngắn gọn.
- Kết luận:
Sử dụng các trắc nghiệm tâm lý kết hợp trong thăm khám là một phương pháp đánh giá cận lâm sàng cần thiết nhưng phải được thực hiện một cách nghiêm túc bởi các trắc nghiệm viên/nhân viên y tế đã qua đào tạo. Một điều kiện quan trọng nữa đóng góp vào hiệu quả của lĩnh vực chuyên môn này là sự tuân thủ các quy định về y đức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử và những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nhân lực. Mỗi kiểu loại hay hình thức trắc nghiệm đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Tuỳ đối tượng đánh giá, mục tiêu đo đạc và các điều kiện về nhân lực cũng như điều kiện về cơ sở vật chất mà chúng ta lựa chọn những kiểu loại và hình thức cho phù hợp.
Viết bài: Khoa TLLS – BVTTTW1
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Sinh Phúc (2020). Bài giảng đánh giá tâm lý.
- Trần Thu Hương (2020). Bài giảng Tâm lý học giao tiếp.
- Giao tiếp với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân. Truy cập từ: https://atcs.ump.edu.vn/upload/images/pdfs/Upload/KyNangGiaoTiepVoiNguoiBenh-ThanNhan.pdf
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Hội nghị viên chức và người lao động năm 2024
- Hội nghị tư vấn các nhiệm vụ khoa học 2022
- Rối loạn trầm cảm và Thang đánh giá BECK. Bài giảng dành cho y tế cơ sở. ThS.BS Nguyễn Văn Thống
- Quyết định phê duyệt danh mục tài liệu ôn tập kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2022 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 kỷ niệm 60 năm ngày thành lập