Chiều ngày 21/8/2024, tại Hội trường lớn Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tổ chức bình bệnh án, Báo cáo ca lâm sàng đối với trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Điều trị tự nguyện. Tham dự gồm có các Bác sĩ, Điều dưỡng, Dược sĩ và chuyên viên Tâm lí. BSCKII. Nguyễn Tuấn Đại – Phó Giám đốc Bệnh viện chủ trì cuộc họp, TS.BS. Phùng Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Thư kí.
BSCKII. Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viện chủ trì bình bệnh án.
Bệnh án và ca lâm sàng được báo cáo là trường hợp của bệnh nhân nam 26 tuổi đang điều trị tại khoa Khoa Điều trị tự nguyện. Trước khi vào viện 6 tháng, bệnh nhân bỏ học đại học, trở về gia đình sống 1 mình, không muốn giao lưu tiếp xúc với ai. 3 tháng nay, bệnh nhân luôn cảm giác tay bẩn, mỗi ngày rửa tay hàng chục lần, mỗi lần 1 đến vài giờ, nhưng lại lười vệ sinh, lười tắm rửa, người nhếch nhác, không gọn gàng, nói 1 mình, lẩm bẩm một mình, dễ cáu gắt và chống đối người nhà khi bảo bệnh nhân đi khám bệnh. Bệnh nhân nhập viện lần đầu tại Bệnh viện, qua thăm khám Bác sĩ phát hiện :
- Cảm xúc hằn học, dễ nổi cáu.
- Hành vi rửa tay nhiều lần, sinh hoạt luộm thuộm, sống thu mình, lười nhác.
- Tư duy: Cưới nói một mình, tư duy kém liên quan và phủ định bệnh.
Bác sĩ điều trị chẩn đoán bệnh nhân theo hướng Theo dõi Rối loạn loại phân liệt (F21), hiện tại sử dụng thuốc an thần kinh và chống trầm cảm.
BS Nguyễn Thị Hương, Khoa Điều trị tự nguyện báo cáo ca lâm sàng.
Buổi bình bệnh án đã diễn ra rất sôi nổi, có nhiều ý kiến đánh giá của các Bác sĩ tham dự về cách chẩn đoán bệnh và góp ý đối với Bác sĩ điều trị trực tiếp .
Đóng góp về chẩn đoán, điều trị đối với người bệnh, TS.BS Phùng Thanh Hải cho rằng Bác sĩ điều trị cần đánh giá lại các triệu chứng như: cảm xúc hằn học, nói 1 mình, lầm bẩm 1 mình, tư duy không liên quan và khai thác các hoang tưởng, ảo giác của người bệnh. Ts.Bs. Phùng Thanh Hải hướng đến chẩn đoán bệnh Tâm thần phân liệt. Qua đó sử dụng thuốc an thần kinh Haloperidol để điều trị triệu chứng dương tính và kết hợp các thuốc an thần kinh mới để điều trị triệu chứng âm tính và nhận thức của người bệnh.
TS.BS Phùng Thanh Hải bình bệnh án.
Về mặt tâm lý, CN Bùi Văn Tuân cho rằng nên sử dụng thang PANSS và kết hợp điều trị liệu pháp tâm lý sẽ góp phần điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.
Đánh giá cách sử dụng thuốc điều trị bệnh nhân, ThS Tạ Lê Mai Hậu – Trưởng khoa Dược lưu ý Bác sĩ khi phối hợp thuốc Haloperidol và Aminazin cần theo dõi QTC trên ECG, Anafranil nên tăng liều từ từ.
Phần chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng ngoài chăm sóc chế độ dinh dưỡng cần theo dõi sát cảm xúc, hành vi, diễn biến hàng ngày của người bệnh và kiểm tra mạch để cung cấp cho bác sỹ có phác đồ điều trị hợp lý.
Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII Nguyễn Tuấn Đại đã rút ra một số kinh nghiệm cho Khoa Điều trị tự nguyện, cũng như các khoa lâm sàng của Bệnh viện. Trong đó đề cao việc khám, chẩn đoán và điều trị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt khoa học.
Viết bài: Phòng Kế hoạch Tổng hợp
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Đoàn thanh niên bệnh viện tham gia khắc phục hậu quả sau cơn bão Yagi.
- Hoạt động tặng quà của Phòng Công tác xã hội với các gia đình của cụm dân cư Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có hoàn cảnh bệnh tật nặng.
- Thăm và tặng quà bệnh nhân nhi nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
- Thông báo mở lớp đào tạo chuyên khoa Tâm thần cơ bản Khóa 47 năm 2021
- Sự phát triển và hình thành của bệnh viện