I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, chăm sóc sức khoẻ tinh thần luôn là điều quan trọng không chỉ cho cá nhân mà cho toàn xã hội.
Hướng tới ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 viết tắt là WMHD (World Mental Health Day), bài viết này hy vọng truyền thông tới quý độc giả có thông tin bao quát hơn về sức khỏe, sức khỏe tâm thần và những tiêu chuẩn chẩn đoán, từ đó giúp chúng ta tự lượng giá và chủ động hơn trong chăm sóc sức khỏe nói chung.
Khái niệm “sức khỏe” theo tổ chức y tế thế giới (WHO): là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật.
Định nghĩa của WHO mang tính tổng quát nhưng chủ quan và tương đối. Vì với ý nghĩa đó thì hầu hết mỗi cá nhân sẽ tự xem xét được mình mạnh khỏe hay không. Trên thực tế, nhiều người có thể mắc một căn bệnh được y học biết đến qua những thăm khám lâm sàng nhưng vẫn có thể tương đối khỏe mạnh. Như vậy, sức khỏe không chỉ là khái niệm liên quan đến việc một người nào đó không có bệnh tật và các bộ phận, tổ chức trong cơ thể họ vẫn đang hoạt động tốt, bản thân họ có những suy nghĩ lạc quan…mà khái niệm sức khỏe phải được hiểu theo ý nghĩa rộng hơn.
Vậy, “Sức khỏe” là một khái niệm tổng thể, đề cập đến con người tổng thể, thống nhất của ba phần: Thể chất, tâm thần và các năng lực xã hội.
Sức khỏe thể chất được xem là trạng thái nguyên vẹn và phối hợp nhịp nhàng về mặt giải phẫu với chức năng sinh lý ở tất cả các bộ phận của cơ thể.
Năng lực xã hội là khả năng cá nhân gia nhập vào các mối quan hệ xã hội để khẳng định vai trò và vị thế của bản thân. Bao gồm mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân và cá nhân với những người xung quanh – mối quan hệ liên nhân cách. Nó thể hiện ở cách thức cá nhân giao tiếp, tương tác và hiệu quả của việc gia nhập vào các mối quan hệ xã hội – mối liên kết xã hội đó.
Sức khỏe tâm thần là trạng thái lành mạnh về tinh thần và ở đó, cá nhân nhận ra những năng lực của chính mình, có thể đương đầu với các stress thông thường của cuộc sống, có thể làm việc năng suất và hiệu quả, có thể tạo ra những hiệu quả lao động từ trí óc và tinh thần cho chính bản thân, cộng đồng của mình.
Theo từ điển tâm lý học; Sức khỏe tâm thần “là một trạng thái thoải mái, dễ chịu về tinh thần, không có các biểu hiện rối loạn về tâm thần, một trạng thái đảm bảo cho sự điều khiển hành vi, hoạt động phù hợp với môi trường”.
Như vậy, khái niệm “Sức khỏe” trên của tác giả có vẻ rộng hơn, bao quát hơn khái niệm của WHO, theo đó, sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự lành mạnh và thực hiện một cách hiệu quả các hoạt động chức năng của cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, ở nước ta thuật ngữ sức khỏe tinh thần và sức khỏe tâm thần thường được dùng lẫn lộn với nhau nhưng ý nghĩa như nhau và cùng được dịch từ tiếng Anh là “mental health”. Sở dĩ như vậy vì trong tiếng Việt, từ tâm thần mang rất nhiều định kiến vì nó gắn liền với những biểu hiện bệnh tâm thần nặng như rối loạn tâm thần, loạn thần, tâm thần phân liệt, động kinh (điên, cuồng, lên cơn co giật…) nên những nhà tâm lý thường sử dụng từ sức khỏe tinh thần nhằm làm giảm nhẹ những định kiến xã hội với sức khỏe tâm thần. Và như vậy sức khỏe tinh thần hay sức khỏe tâm thần có ý nghĩa tương đương nhau và tùy thuộc vào cách dùng thuật ngữ của mỗi cá nhân.
Ở một trạng thái ngược lại của “sức khỏe tâm thần tốt” là “có vấn đề về sức khỏe tâm thần” hay “rối loạn tâm lý, rối loạn tâm thần, bệnh tâm thần…”. Đây được xem là một trạng thái, biểu hiện hành vi hoặc cảm xúc gây cho cá nhân những suy nghĩ, lo lắng, đau khổ, rằn vặt từ thái quá đến tự hủy hoại bản thân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt của đời sống cá nhân đó như công việc, gia đình, xã hội hoặc gây nguy hiểm cho người khác hoặc cộng đồng mà bản thân họ không còn khả năng tự kiểm soát được.
II.THỰC TIỄN LÂM SÀNG
Trên thực tế rất khó để có sự phân định rạch ròi giữa bình thường – khỏe mạnh, lành mạnh về tâm thần với có vấn đề – rối loạn tâm thần. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại với những hệ lụy mang tính toàn cầu của đại dịch Covid – 19 như hiện nay. Bởi đâu đó mỗi cá nhân đều có những lúc có hành vi “lệch chuẩn” hoặc những cảm xúc thái quá như đau buồn, lo lắng, bất an hoặc những hành vi kém thích nghi…nhưng vấn đề đặt ra là những biểu hiện đó nhất thời hay trường diễn. Và họ được nhìn nhận là “có vấn đề về sức khỏe tâm thần” chỉ khi các biểu hiện này là quá mức. Nhưng như thế nào là “quá” thì khó có một tiêu chuẩn, một thước đo rõ ràng. Do đó, tình trạng “có vấn đề về sức khỏe tâm thần” như vậy được xem là các “rối loạn tâm thần” theo một phổ liên tục từ nhẹ đến nặng. Chính vì vậy mà thuật ngữ “có vấn đề về sức khỏe tâm thần” được sử dụng rộng rãi hơn vì nó biểu đạt được hàm ý từ nhẹ đến nặng và trong “bệnh cảnh lâm sàng” bác sỹ còn đang cân nhắc một chẩn đoán xác định.
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới từ năm 2005, rối loạn tâm thần chiếm 13% gánh nặng bệnh tật trên thế giới và đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm giảm các chức năng sống. WHO cho rằng gần một nửa dân số thế giới chịu ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe tâm thần và 10 – 20% trẻ em và vị thành niên trên thế giới có một trong những rối loạn tâm thần. Nếu những rối loạn đó không được can thiệp, chữa trị thì sẽ góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, học tập, giáo dục và chất lượng cuộc sống của cá nhân nói riêng và cả xã hội nói chung. Chính vì vậy, phân loại các vấn đề sức khỏe tâm thần là một trong những vấn đề trọng yếu.
Hiện nay trên thế giới có hai bảng phân loại các vấn đề về sức khỏe tâm thần được sử dụng rộng rãi. Đó là cẩm nang chẩn đoán và thống kê các bệnh tâm thần, phiên bản lần thứ năm của Hiệp hội tâm thần Mỹ viết tắt là DSM – V và bảng phân loại bệnh tật Quốc tế lần thứ 10 (ICD – 10). Sự ra đời của hai loại bảng phân loại này được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích với những tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng.
Theo DSM – V thống kê và phân loại các bệnh tâm thần là một hệ thống đa trục, và trạng thái tâm thần của mỗi cá nhân có thể được đánh giá theo 5 trục như sau:
- Trục I: Có hoặc không có hầu hết các triệu chứng lâm sàng như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, tăng động giảm chú ý, chứng tự kỷ, chứng ám sợ, tâm thần phân liệt, rối loạn bản năng ăn uống, bản năng tình dục…
- Trục II: Có hoặc không có trạng thái bệnh lý kéo dài như rối loạn nhân cách và chậm phát triển trí tuệ/ tâm thần.
- Trục III: Những thông tin về trạng thái sức khỏe cơ thể của cá nhân bao gồm các tổn thương ở não bộ và các rối loạn sức khỏe thể chất.
- Trục IV: Các vấn đề tâm lý và các yếu tố môi trường.
- Trục V. Đánh giá tổng quát về hoạt động chức năng.
Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 (ICD -10) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vấn đề về sức khỏe tâm thần bao gồm:
- Rối loạn tâm thần thực thể bao gồm rối loạn tâm thần triệu chứng.
- Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần, chất gây nghiện.
- Tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt và rối loạn hoang tưởng.
- Rối loạn cảm xúc.
- Loạn thần kinh, rối loạn liên quan đến stress và rối loạn dạng cơ thể.
- Hội chứng hành vi kết hợp với rối loạn sinh lý và yếu tố thể chất.
- Rối loạn nhân cách và hành vi ở người trưởng thành.
- Chậm phát triển tâm thần.
- Rối loạn phát triển tâm lý.
- Rối loạn về hành vi và cảm xúc với sự khởi bệnh thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.
- Rối loạn tâm thần không xác định.
III. LỜI KẾT
Tổ chức y tế thế giới đã xếp các vấn đề về sức khỏe tâm thần là quan trọng không chỉ của xã hội mà của cả thế giới. Chính vì vậy hiểu biết và nắm được những thông tin để có kiến thức chăm sóc và phục hồi sức khỏe tâm thần có một ý nghĩa lớn đối với mỗi cá nhân và cộng đồng trong công cuộc giữ gìn và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Để có thêm những thông tin về sức khỏe và sức khỏe tâm thần, bạn hãy tìm đến các cơ sở y tế, các bác sỹ chuyên khoa tâm thần và các nhà tư vấn mỗi khi gặp những vấn đề liên quan để được giúp đỡ và chia sẻ.
Để được tư vấn trực tiếp và kịp thời Quý vị vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: https://bvtttw1.gov.vn/khoa-tam-ly-lam-sang/
Email: tamlylamsangtw1@gmail.com
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đặng Hoàng Minh, Bahr Weiss – Nguyễn Cao Minh (2013), “Sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam: Thực trạng và các yếu tố nguy cơ”, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- Vũ Dũng. (2008) “Từ điển tâm lý học”, Nhà xuất bản từ điển bách khoa.
- Tổ chức Y tế thế giới (1992), “Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD – 10) về các rối loạn tâm thần và hành vi”, Geneva.
- Hiệp hội tâm thần Mỹ, “Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các bệnh tâm thần, phiên bản lần thứ tư”, (DSM – IV)
- Nguyễn Văn Siêm, Cao Tiến Đức (2011), “Dược lý học tâm thần, hóa liệu pháp trong một số rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên”, Nhà xuất bản Y học.
Nguồn bài viết: Ths. Nguyễn Thị Thu Linh – Khoa TLLS
- Đại hội đại biểu Công đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
- Bộ Y tế công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
- Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn được tham dự vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2022.
- Mời tham gia tư vấn tổ chức lựa chọn nhà thầu thuốc.
- ĐẠI CƯƠNG TÂM THẦN HỌC
- SA SÚT TRÍ TUỆ